Cần nhiều phép thử cho sân khấu

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 (từ 4 đến 13-10) đã đi vào chặng cuối, cũng là lúc các nhà làm nghệ thuật, các đạo diễn sân khấu Việt Nam xác định được vị trí đứng của sân khấu Việt qua việc chiêm nghiệm từ những phép thử của đồng nghiệp sân khấu trong nước và quốc tế. 
Bpolar của Đoàn Nghệ thuật Ayit, Israel
Bpolar của Đoàn Nghệ thuật Ayit, Israel

Bữa tiệc nhiều màu sắc 

Tuy số lượng đoàn quốc tế tham dự liên hoan chưa phải là nhiều nhưng thực sự đã có những chương trình để lại ấn tượng đặc biệt, với những sáng tạo độc đáo đúng với tiêu chí “thử nghiệm”. Phát triển từ truyện ngắn nổi tiếng Nhật ký người điên của nhà văn Nga Gogol, Bpolar của đoàn Israel gắn với câu chuyện của một nhân viên bán hàng lớn tuổi, người thầm yêu con gái của ông chủ. Vở diễn không có phụ đề, bởi gần như không có lời thoại. Thay vào đó, trong hơn 60 phút, bằng diễn xuất cộng sự phối hợp âm nhạc, ánh sáng, múa rối và các màn chiếu video, mọi cung bậc cảm xúc của nhân vật chính từ thích, yêu, si dại tới phát triển thành căn bệnh tâm thần đầy u uẩn, được dẫn dắt rất khéo để đẩy tới cao trào. 

Các nghệ sĩ đến từ Hy Lạp cũng đã có vở diễn đầy ấn tượng với khán giả Việt. Dựa trên bộ phim cùng tên nổi tiếng của Hy Lạp (từng được đề cử giải Oscar) Cánh đồng đẫm máu kể về cuộc xung đột tàn nhẫn diễn ra tại vùng Thessaly vào đầu thế kỷ 20. Vở diễn cũng sử dụng rất ít lời thoại, thay vào đó, nó mang đậm tính ước lệ của sân khấu phương Đông, với cách xử lý rất đặc biệt. Nếu như phim có đầy đủ điều kiện diễn tả câu chuyện, thì trên sân khấu, các diễn viên phải phối hợp với nhiều đạo cụ hỗ trợ. Các nghệ sĩ sử dụng máy chiếu và những bức tranh tái hiện không gian, làm nổi bật chủ đề của vở kịch là xung đột của người nông dân và địa chủ. Qua âm nhạc và những bài hát, không gian văn hóa của đất nước Hy Lạp đã tái hiện. Vở nhạc kịch Câu chuyện về bức tranh cổ của đoàn Trung Quốc cũng đem đến màu sắc văn hóa đặc trưng thể hiện rất rõ ở phục trang, âm nhạc, lối diễn chi tiết của các nghệ sĩ và sự dàn dựng đầy kịch tính của đạo diễn. 

Không tỏ ra “lép vế”, một số vở diễn của nước chủ nhà đã nhận được đánh giá cao từ hội đồng nghệ thuật và khán giả với nhiều sáng tạo mới mẻ. Vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam, vở Cậu Vanya (tác giả Chekhov) của Nhà hát Tuổi Trẻ… là những phép thử tạo được dấu ấn với đồng nghiệp trong nước và cả quốc tế. 

Santanu Das, nghệ sĩ của Nhà hát Kalyani Kalamandalam (Ấn Độ) chia sẻ: “Ấn Độ đã có nhiều đoàn dựng Cậu Vanya nhưng quả thực chúng tôi thấy tác phẩm đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi dàn dựng cho nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ của Việt Nam là xuất sắc nhất. Vở diễn đã khéo léo kết hợp giữa trường phái sân khấu cổ điển và sân khấu hiện thực. Dù không hiểu ngôn ngữ và Truyện Kiều của Việt Nam nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát Shanghai Huaiju Opera Troupe, Trung Quốc đều cho biết, họ vô cùng thán phục khi xem Thân phận nàng Kiều. Đại diện đoàn Trung Quốc cũng dành những lời nhận định đầy ưu ái: “Chúng tôi đã thực sự bị chinh phục bởi một vở diễn xuất sắc về thử nghiệm, từ cách dàn dựng, cách trang trí, tạo hình cho tới kỹ thuật biểu diễn. Khó có thể nghĩ rằng chỉ có 6 dải lụa trắng mà đạo diễn đã rất tài năng biến hóa tạo nên những không gian sân khấu rất ấn tượng. Những vật dụng đời thường cũng đã được đưa vào tạo hình con rối một cách hiệu quả. Chúng tôi ước có thể đưa được vở diễn này sang biểu diễn tại Trung Quốc để khán giả nước chúng tôi được thưởng thức”. 

Dấu ấn thử nghiệm của sân khấu Việt Nam

Ban tổ chức Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 đã đưa ra sáng kiến tổ chức thảo luận sau khi xem các vở diễn. Tại cuộc thảo luận lần thứ nhất, các nhà nghiên cứu, nhà báo, thành viên trong ê kíp sáng tạo vở diễn và đông đảo nghệ sĩ đã có cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình. 

Cùng một vở diễn nhưng có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, rõ ràng mức độ thành công cũng ghi nhận được yếu tố lần đầu, cái mới từ một số vở diễn. Với vở Ngàn năm mây trắng, một tác phẩm sân khấu lần đầu tiên được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) dàn dựng. Và lần đầu tiên nghệ sĩ sân khấu truyền thống cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế cùng lên sân khấu diễn, đã mang tới một trải nghiệm thú vị.

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực và đoàn Luc Team tiếp tục chinh phục khán giả với vở kịch phi lý Nữ ca sĩ hói đầu trên sân khấu Việt với phương pháp ước lệ biểu hiện. Từ những sự kiện rời rạc, những đối đáp theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” nhưng kỳ thực lại vô cùng sâu sắc, khiến khán giả thích thú. 

Mãn nhãn những tìm tòi, sáng tạo thành công của đồng nghiệp, nhưng cũng thất vọng khi phải kiên nhẫn chịu sự “tra tấn” của những lời thoại triền miên như kể chuyện, chứ không phải diễn, đó là thực trạng của một số vở diễn tại liên hoan. Ngay trong 3 cuộc hội thảo, đã có những ý kiến nói thẳng với ê kíp sáng tạo: “Tôi không thích vở của anh”, hay “chưa thấy có gì là thử nghiệm”. Rõ ràng, liên hoan đã lọt những vở diễn không mang tính thử nghiệm, khiến người xem đặt câu hỏi: phải chăng có việc gượng ép trong lựa chọn tác phẩm để có được nhiều yếu tố ngoại hơn? 

Tác giả Lê Quý Hiền cũng thẳng thắn nhận định: “Tiếc là một số vở diễn đã đi lệch với mục tiêu thử nghiệm”. Ông dẫn chứng, vở Mơ rồng của Nhà hát Múa rối Thăng Long lạm dụng vũ đạo và kỹ thuật sân khấu, đã phá đi những giá trị truyền thống của sân khấu rối nước; Dưới cát là nước của Nhà hát Thế giới trẻ, kịch bản yếu, đạo diễn dàn dựng mâu thuẫn giữa hình thái tả thực và tả ý… Đạo diễn Lê Quý Dương lại cho rằng: “Đã nhắc tới khái niệm “thử nghiệm” thì ắt phải mới, thậm chí là lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu. Và cái mới có thể được chấp nhận và có thể chưa được chấp nhận…”.  Bài toán thử nghiệm đối với những người làm nghệ thuật sân khấu không phải là thành công ngay, để có được hiệu quả phải có những bài học kinh nghiệm, kể cả việc thất bại. Sân khấu Việt đang rất cần nhiều “phép thử” để vượt lên chính mình, vươn ra hội nhập với thế giới.

Tin cùng chuyên mục