
Sau 4 tháng kể từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quy chế mới về cấp giấy phép thành lập và hoạt động Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP), thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn đang chứng kiến nhiều biến động không ngừng. Vấn đề thực hư về những “cuộc đua ngầm” thành lập NHTMCP mới vẫn đang tiếp tục là đề tài được quan tâm trong cộng đồng giới chức tài chính cả nước.

Cũng cần nhắc lại, phía NHNN đã thể hiện rõ quan điểm không “dễ dãi” cấp giấy phép thành lập mới NHTMCP nhằm đảm bảo vĩ mô về một thị trường tài chính tiền tệ năng động nhưng phải thật bền vững. Một trong những điều khoản tiên quyết là NHTMCP mới phải có tối thiểu 100 cổ đông tham gia góp vốn thành lập, trong đó tối thiểu 3 cổ đông sáng lập là doanh nghiệp với vốn chủ sở hữu ít nhất lên đến 500 tỷ đồng và kinh doanh lãi 3 năm liền kề.
Riêng trường hợp cổ đông sáng lập là NHTMCP thì tổng tài sản phải có tối thiểu 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 2% tổng dư nợ tại thời điểm xin góp vốn thành lập ngân hàng. Đồng thời, NHTMCP này phải không vi phạm an toàn hoạt động ngân hàng theo qui định của NHNN trong năm liền kề đến thời điểm được cấp giấy phép và kinh doanh có lãi 3 năm liền kề.
Được biết, mới đây Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu một lần nữa chỉ đạo các bộ phận chức năng khẩn trương rà soát lại các hồ sơ xin thành lập NHTMCP, kiên quyết chỉ xét những hồ sơ đã đủ thủ tục và điều kiện theo đúng quy chế mới ban hành ngày 7-6-2007 của NHNN. Theo tình hình này, dự đoán của nhiều chuyên gia tài chính thì tối đa chỉ vài hồ sơ thành lập ngân hàng mới được chấp thuận so với con số “vài chục” đề xuất từ nhiều doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn.
Thực ra, chủ trương hạn chế thành lập ngân hàng mới theo kiểu “phong trào” của NHNN là điều phù hợp bởi tính an toàn hệ thống ngân hàng ảnh hưởng trực diện đến sự phát triển ngành tài chính đất nước. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng nên chú trọng nhiều đến chất lượng và thương hiệu của ngân hàng mới thành lập. Cách đây chưa lâu, một ngân hàng được thành lập với tên gọi V.N.T.T với một số thành viên chủ chốt là “bộ sậu cũ” của ngân hàng S.G.T.T đã khiến giới am tường tài chính báo động về một văn hóa cạnh tranh không lành mạnh.
Gần đây, lại có hồ sơ xin thành lập mới ngân hàng Đ.D.T.T lại khiến mọi người thận trọng hơn khi nhìn nhận vấn đề. Dư luận cho rằng, thương hiệu ngân hàng mới nên khác hoàn toàn với các ngân hàng cũ bởi đây là cách khẳng định mạnh mẽ nhất về vị thế một tổ chức tài chính trước cộng đồng và khách hàng của mình. Tuy nhiên, việc ra đời thêm nhiều ngân hàng mới cũng chưa hẳn là không tích cực. Bởi trong thực tế, một số NHTMCP “sinh sau đẻ muộn” nhưng có chiến lược phát triển tốt về thì vẫn định vị được thương hiệu trên thị trường tài chính.
Đơn cử như NH An Bình (ABBank), NH Nam Việt (Navibank) v.v… - tuy mới ra đời nhưng những NHTMCP này đã có ưu thế bởi hoạt động gắn liền với những tổ chức, tập đoàn kinh tế mạnh. Ngoài ra, như ABBank đã mạnh dạn triển khai thành công những giải pháp tài chính hiện đại được nhiều doanh nghiệp đánh giá hiệu quả và thể hiện giá trị thương hiệu riêng biệt. Đây thực sự cũng là một số tín hiệu tốt cho sự mở rộng của thị trường tài chính trong nước.
Cũng cần nhìn nhận trên thế giới, lịch sử phát triển nhiều ngân hàng đến ngày nay không chỉ nhằm mục tiêu phục vụ khách hàng trong khu vực giới hạn. Mà xa hơn, thương hiệu của các ngân hàng đa quốc gia đã trở thành những “dấu ấn” riêng biệt mang giá trị toàn cầu. Đơn cử khi nhắc đến đất nước Thụy Sỹ, người ta có thể nghĩ ngay đến độ an toàn tuyệt đối trong những ngân hàng cổ kính; nhắc đến Anh quốc, người ta nhớ ngay đến “người khổng lồ” HSBC với văn minh kinh doanh am tường từng địa phương và không khể không nhắc đến những tập đoàn tài chính Mỹ có sức mạnh ảnh hưởng đến khu vực kinh tế toàn cầu v.v…
Bài học ở thị trường tài chính thế giới nếu được áp dụng khoa học tại Việt Nam tuy chưa hẳn thực sự hoàn mỹ, song từng ưu điểm phù hợp cũng sẽ góp phần tạo nên một hệ thống ngân hàng lành mạnh và bền vững hơn.
TƯỜNG MINH