Gần hết năm học 2010-2011 nhưng nhiều học sinh thuộc diện khó khăn ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung cấp nghề vẫn chưa được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 49/CP của Chính phủ ban hành ngày 15-5-2010 và Thông tư liên bộ số 29/2010/TTLB-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH.
Do thông tư hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, thiếu chi tiết nên việc triển khai gặp nhiều vướng mắc. Ngay cả sinh viên nghèo - những người trực tiếp thụ hưởng chính sách này - cũng cảm thấy khó hiểu khi đọc quy định hiện hành. Cụ thể, sinh viên ở các địa bàn xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn có được miễn giảm học phí không? Một số sinh viên thắc mắc rằng họ có hộ khẩu thuộc gia đình nghèo ở địa bàn được áp dụng chính sách miễn giảm học phí nhưng khi đến TPHCM học thì có được hưởng ưu đãi này không và cơ quan nào giải quyết hồ sơ? Đó là chưa kể nhiều trường đại học, cao đẳng hiện đang thu học phí cao hơn mức trần quy định tại Nghị định 49/CP thì việc cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm sẽ áp dụng theo mức nào?
Một vấn đề khác khiến các cơ sở giáo dục nghề và giáo dục đại học ngoài công lập thấp thỏm, đó là tại khoản 2 Điều 1, Thông tư 29 quy định áp dụng đối với tất cả các loại hình nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, thế nhưng trong phần hướng dẫn cụ thể thì thông tư này chỉ đề cập đến đối tượng học ở hệ chính quy.
Trong tình hình giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đại bộ phận sinh viên đang theo học ở các đô thị đều phải “thắt lưng buộc bụng”, trong đó sinh viên nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn càng khổ hơn. Chính vì thế, việc được hưởng chính sách hỗ trợ và miễn giảm học phí đối với họ giống như “chiếc phao cứu hộ” để giúp họ an tâm học tập. Từ những bức xúc, vướng mắc của sinh viên nghèo, mong Bộ LĐTB-XH và Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn bổ sung hoặc chỉnh sửa để nghị định này sớm đi vào cuộc sống.
Nguyễn Thiên (TPHCM)