Cần thiết Nhà nước định giá sách giáo khoa

Từ năm học mới 2020-2021, học sinh lớp 1 trong cả nước bắt đầu học sách giáo khoa (SGK) mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Lần đầu tiên chúng ta thực hiện chủ trương có nhiều bộ SGK, tất cả các bộ SGK lớp 1 mới đều do các nhà xuất bản biên soạn, không có bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện nay, giá SGK do các nhà xuất bản tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền. Theo yêu cầu giảm giá SGK của Bộ GD-ĐT, qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính, giá các bộ sách đã giảm từ 8%-18% so với giá bìa kê khai ban đầu để góp phần chia sẻ với người học trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nói chung. Trong đó, bộ SGK khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm giá cao nhất với 199.000 đồng, bộ rẻ nhất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 179.000 đồng.

Liên quan đến việc giá bộ SGK mới cao hơn bộ sách cũ, Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân do thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành. Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn. Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới số lượng đầu sách tăng hơn; sách được in màu, chất lượng tốt hơn, do đó giá sách cao hơn. 

Giá SGK cao đang là quan tâm của nhiều gia đình vì thường bên cạnh SGK, các gia đình còn phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ để mua sách tham khảo, sách bài tập. Điều này có thể gây khó khăn cho người học, tác động đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ngay bản thân Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy một số bất cập nên đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu chỉnh sửa quy định về quy trình biên soạn, thẩm định SGK, làm rõ nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ.

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Đề xuất này nhằm kiểm soát giá bán SGK - loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con em đi học cũng phải mua. Bộ Tài chính cho rằng, khi Nhà nước định giá bán SGK, việc rà soát các khoản chi sẽ được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý của từng đầu mục. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của dư luận. Trước đó, trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền trong biên soạn SGK là cần thiết nhưng phải đảm bảo chất lượng SGK cũng như giá sách phải phù hợp với túi tiền của đại đa số các gia đình.

SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá. Việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa là cần thiết để bảo đảm giá sách phù hợp với túi tiền của đại đa số các gia đình, không gây tác động lên chỉ số giá tiêu dùng. Việc định giá SGK cũng sẽ giúp phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực xây dựng SGK có chất lượng. Nhà nước định giá tối đa SGK cũng bảo đảm nguyên tắc công bằng xã hội và quyền lợi cho học sinh.

Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế trợ giá, giảm giá bán SGK đối với các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội; hỗ trợ SGK cho các địa phương thuộc vùng khó khăn. Bên cạnh việc định giá SGK, cơ quan quản lý cũng cần có chính sách để khuyến khích tái sử dụng SGK, tránh lãng phí SGK “dùng 1 lần là bỏ” như lâu nay xã hội bức xúc; nên có chính sách trang bị SGK cho hệ thống thư viện nhà trường để học sinh có thể thuê hoặc mượn sách hàng năm.

Tin cùng chuyên mục