Hàng rong quyết bám trụ
7 giờ sáng, tại cổng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cảnh buôn bán trên vỉa hè rất tấp nập dù lực lượng trật tự đô thị của phường 1 (quận 5) mới đi chấn chỉnh. Xe bánh mì có nhiều người vây kín tứ phía chờ mua. Cách đó vài bước chân, chị bán xôi luôn tay xới nhưng vẫn không kịp, khách hối liên tục. Các hàng nước trên xe đẩy vây kín phía ngoài cổng phải cho sẵn nước vào bịch để khách không phải đợi lâu. Mua bán đắt khách như vậy nên dù mỗi ngày lực lượng trật tự đô thị có đi kiểm tra, xử lý bao nhiêu lần thì người bán hàng rong vẫn ra sức bám trụ.
Căn tin Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM giá bán khá đắt đỏ
Trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vậy, dù đã có các hàng rào chắn nhưng hàng rong vẫn tràn xuống lòng đường, vây cổng bệnh viện suốt từ đường Thuận Kiều đến đường Nguyễn Chí Thanh. Hàng quán luôn đông khách mua. Từ đồ ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, đến nước suối, khăn tắm, xà bông… đều được người thân bệnh nhân mua ngoài cổng bệnh viện.
Tương tự, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân 115, Viện Tim TPHCM, Bệnh viện Hùng Vương… đều có tình trạng hàng rong vây ngoài cổng. Việc này khiến chính quyền các phường, các quận “đau đầu” lâu nay. Các hàng rong vỉa hè vây bệnh viện đều có điểm chung là nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh, nhưng vẫn là ưu tiên số 1 của thân nhân người bệnh, bởi giá rẻ, nhiều món để lựa chọn và thuận tiện.
Anh Trần Văn Hòa (quê Bình Định) đang chăm sóc vợ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Hàng ngày, bữa ăn chính tôi nhận cơm từ thiện của một số bếp tới phát, còn lại mọi thứ tôi đều mua ở ngoài cổng. Vẫn biết hàng rong bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh, nhưng giá rẻ, tiện, phù hợp nên tôi chấp nhận”.
Chị Phạm Thảo Lan (quê Vĩnh Long) đang chăm sóc con tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng ra ngoài mua đồ ăn, nước uống, chia sẻ: “Tôi cũng muốn mua thức ăn trong căn tin bệnh viện, nhưng giá trong đó cao hơn bên ngoài. Tôi xoay tiền chữa bệnh cho con đã khó khăn lắm rồi, nên ăn uống phải tính toán từng đồng, thành ra ở đâu rẻ thì mua chứ không nghĩ đến chuyện đảm bảo vệ sinh hay không”.
Căn tin không đáp ứng được nhu cầu
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, vào giờ cơm trưa, người nhà bệnh nhân rủ nhau ra cổng mua thức ăn rất đông. Bệnh viện này cũng có căn tin nằm khuất trên lầu 3, nhưng nhỏ, chỉ có mấy bộ bàn ghế và vài ba món ăn đơn điệu. Lối vào căn tin rất hẹp, hai bên hành lang người bệnh nằm la liệt. Chính vì không gian nhỏ, đi lại khó khăn, thực đơn nghèo nàn, nên dù giá cả khá rẻ, chừng 25.000 - 30.000 đồng/suất ăn, nhưng cũng chỉ thấy vài ba thực khách.
Căn tin Bệnh viện Chợ Rẫy rộng, nhưng khá ẩm thấp và thực đơn cũng nghèo nàn. Vào giờ cơm trưa của một ngày giữa tuần, thực đơn cơm chỉ có 3 món ăn mặn để khách lựa chọn. Chính vì vậy mà dù giá một suất ăn trưa chỉ 22.000 - 23.000 đồng nhưng chỉ thấy có khoảng chục thực khách. Căn tin bệnh viện này không thu hút được khách còn bởi vị trí nằm sâu phía cuối khuôn viên bệnh viện, để tìm không dễ nên nhiều người chọn ra ngoài mua cho tiện.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10) lại không có căn tin, trong khuôn viên bệnh viện chỉ có 1 quầy bán cháo cho trẻ em và 2 siêu thị mini kinh doanh một số đồ dùng thiết yếu và vài món ăn nhanh, giá khá đắt đỏ, như: vài miếng sushi có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/hộp; bánh bao nhỏ giá 16.000 đồng/cái; cơm gà giá 40.000 đồng/phần…
Trong khi căn tin của một số bệnh viện chưa được chú trọng về thực đơn, không được bố trí vị trí thuận tiện, thì căn tin Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM nằm ngay cổng ra vào, với các món ăn đa dạng, từ bữa sáng, trưa, tối đều đầy đủ. Tuy nhiên, giá cả trong căn tin này rất cao khiến nhiều người bệnh lựa chọn mua bên ngoài. Thức ăn sáng ở đây có giá từ 28.000 - 30.000 đồng/suất; thức ăn trưa từ 28.000 - 36.000 đồng/suất.
Ngoài điểm bán thức ăn, căn tin Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM còn có một siêu thị mini là Y mart ở ngay bên cạnh, đáp ứng nhu cầu về các loại nước uống, sữa, bánh và đồ dùng vệ sinh cá nhân, nhưng tất cả đều rất đắt đỏ. Đơn cử như chai nước suối Lavie 500ml ở các siêu thị ngoài bán 5.000 đồng/chai, ở đây bán 8.000 đồng/chai; mì tôm Hảo Hảo chua cay ở các siêu thị ngoài bán 3.700 đồng/gói, ở đây bán 6.000 đồng/gói; hộp Yomost 170ml ở các siêu thị ngoài bán 7.000 đồng, ở đây bán 9.000 đồng; bánh Goute hộp 8 gói ở các siêu thị ngoài bán 50.900 đồng, ở đây bán 57.000 đồng… Chẳng những vậy, ngay cạnh căn tin, chỉ cách các dãy bàn ăn một bờ rào sắt là 3 thùng gom rác lớn luôn bốc mùi, nhiều người cho rằng, vệ sinh khu vực căn tin chưa hẳn là đảm bảo.
Khi chúng tôi thắc mắc về giá cả trong căn tin các bệnh viện cao hơn bên ngoài nhiều, một số nhân viên cho rằng, vì họ đấu thầu mặt bằng cao nên bán giá cao. Tuy nhiên, ở cương vị người bệnh, khi phải đối diện với quá nhiều áp lực về chi phí điều trị bệnh thì việc họ lựa chọn dịch vụ bên ngoài để có thể tiết kiệm chút tiền, bất chấp có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không cũng là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, bệnh viện không chỉ lo về mặt chuyên môn mà nên có các dịch vụ phục vụ đời sống cho người bệnh và thân nhân người bệnh trong thời gian điều trị nội trú. Vì vậy, các bệnh viện cần quan tâm đến việc phát triển căn tin, đảm bảo chất lượng, có những quy định cụ thể về thực đơn cũng như giá cả đối với các đơn vị, cá nhân trúng thầu căn tin. Và nên giám sát thường xuyên để giúp người bệnh và thân nhân được sử dụng dịch vụ an toàn với giá cả phù hợp, góp phần hạn chế hàng rong vây bệnh viện.