Đóng phí bảo hiểm, kê khai trung thực
Theo bà Phan Nguyễn Diệp Lan, Trưởng ban Pháp lý bảo hiểm nhân thọ - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2005 có Chương XVIII về các hợp đồng dân sự thông dụng, Mục 11 về hợp đồng bảo hiểm bao gồm 19 điều. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005 kể từ ngày 1-1-2017 và không còn chương quy định riêng về hợp đồng bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm có Chương 2 quy định về hợp đồng bảo hiểm, bao gồm 19 điều quy định chung (từ Điều 12 đến Điều 30) và 9 điều quy định riêng cho hợp đồng bảo hiểm con người, trong đó có bảo hiểm nhân thọ (từ Điều 31 đến Điều 39). Nghị Định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Thêm nữa, Quyết định 35/2015/QĐ-TTg ban hành danh mục bổ sung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu. Căn cứ vào các quy định hiện hành, một bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ bao gồm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; chứng nhận bảo hiểm; quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm chính và (các) sản phẩm bảo hiểm bổ trợ đi kèm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn; các thỏa thuận khác (nếu có) được giao kết hợp lệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Đáng chú ý, người mua bảo hiểm có “thời gian cân nhắc” thường là 21 ngày, kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực để đọc, kiểm tra lại bộ hợp đồng, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chỉnh sửa thông tin chưa chính xác... Nếu bên mua quyết định không tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ được quyền hủy hợp đồng và nhận lại khoản phí bảo hiểm đầu tiên đã đóng; doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khấu trừ lại phần chi phí khám sức khỏe cho khách hàng khi thẩm định hồ sơ yêu cầu bảo hiểm (nếu có).
Bà Phan Nguyễn Diệp Lan thông tin, bên mua bảo hiểm sẽ có “quyền lợi có thể được bảo hiểm” là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm (Điều 3, điểm 9 của Luật Kinh doanh bảo hiểm). Nói cách khác, bên mua bảo hiểm sẽ có “quyền lợi có thể được bảo hiểm” đối với người được bảo hiểm nếu tử vong hay tổn thất xảy ra đối với người đó sẽ gây ra tổn thất về vật chất hay tinh thần đối với bên mua bảo hiểm. Trên cơ sở khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm, Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm xác định bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, sức khỏe cho những người sau đây: Bản thân bên mua bảo hiểm; vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm; anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng; người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi “có thể được bảo hiểm”…
Coi chừng bảo hiểm vô hiệu
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp khiếu kiện giữa bên bán và bên mua bảo hiểm do nhiều nguyên nhân. Để lý giải kỹ hơn về vấn đề này, bà Phan Nguyễn Diệp Lan dẫn chứng, “Điều khoản loại trừ” (trách nhiệm bảo hiểm) là điều khoản đặc biệt của hợp đồng bảo hiểm. Như đã biết, bản chất của bảo hiểm là chia sẻ rủi ro, bảo vệ bên mua bảo hiểm trước những rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm và không nhìn thấy trước của bên mua bảo hiểm. Theo đó, một số trường hợp rủi ro chắc chắn sẽ xảy ra, có thể do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm, hoặc sự kiện bảo hiểm xảy ra mang tính hàng loạt (chiến tranh, bạo loạn)… thì sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hiểm.
Ví dụ, trường hợp người được bảo hiểm bị nhiễm HIV hoặc chẩn đoán bị AIDS, có nghĩa người được bảo hiểm sẽ không có cơ hội chữa khỏi và chắc chắn tử vong trong một thời gian nhất định. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối bảo hiểm cho trường hợp này. Tuy nhiên, khi HIV/AIDS trở thành bệnh có thể kiểm soát hoặc chữa khỏi, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể cân nhắc bỏ điều khoản loại trừ này.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, nhận định bảo hiểm là một công cụ, biện pháp nhằm bảo vệ, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho con người trong tương lai. Khi xã hội càng phát triển thì những rủi ro đó càng nhiều và nhu cầu phòng tránh rủi ro cũng tăng lên; bảo hiểm dần trở thành nhu cầu tất yếu, khách quan của con người. Ông Nguyễn Văn Tiến cũng khuyến cáo về hậu quả của việc khai báo thông tin sai sự thật trong hợp đồng bảo hiểm. Chẳng hạn như vụ ông Nguyễn Quang T. ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty B. (doanh nghiệp bảo hiểm) loại hợp đồng An sinh giáo dục mệnh giá 50.000.000 đồng, người được bảo hiểm là anh Nguyễn Quang H. (con của ông T. và bà Nguyễn Thị A.). Ngày 19-9-2008, ông T. chết, bà A. nộp hồ sơ yêu cầu Công ty B. thanh toán quyền lợi bảo hiểm nhưng công ty không đồng ý. Sau đó bà A. có đơn khởi kiện tại tòa án yêu cầu Công ty B. phải trả lại toàn bộ phí bảo hiểm mà ông T. đã nộp là 35.292.800 đồng.
Công ty B. cho rằng, khi tham gia bảo hiểm ông T. đã khai báo không trung thực về tình trạng sức khỏe của ông T. trong giấy yêu cầu bảo hiểm; ông T. có tiền sử suy thận mãn, được ghép thận năm 1999 tại Trung Quốc nhưng ông T. khai không bị suy thận, không phải chạy thận nhân tạo, không nằm viện vì phẫu thuật. Công ty đã có thông báo giải quyết quyền lợi bảo hiểm tới bà A. với nội dung: đình chỉ thực hiện hợp đồng từ ngày 19-9-2008, không hoàn lại số phí đã nộp và không chịu trách nhiệm về những rủi ro phát sinh. Công ty không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà A.
Tòa án nhân dân thành phố H. xét xử sơ thẩm đã nhận định, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện tại giấy yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2000 do ông T. khai và ký tên thì tại nội dung khai về tình trạng sức khỏe, ông T. khẳng định vào thời điểm giao kết hợp đồng thì ông không có bệnh gì và cũng không nằm viện vì phẫu thuật. Tuy nhiên, theo hồ sơ bệnh án và giấy chứng tử thể hiện ông T. có tiền sử bệnh suy thận mãn, được ghép thận vào năm 1999 tại Trung Quốc, chẩn đoán tình trạng bệnh “xơ gan, viêm gan C bội nhiễm phổi, nấm phổi. Hậu ghép thận”. Ông T. chết cùng ngày xuất viện do bệnh.
Như vậy, ông T. đã khai không đúng sự thật về tình hình sức khỏe khi tham gia bảo hiểm. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty B. có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng do bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai, bác yêu cầu khởi kiện của bà A. Sau khi xét xử sơ thẩm, bà A. kháng cáo. Tòa Phúc thẩm xét xử phúc thẩm và thống nhất với nhận định của tòa án cấp sơ thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.