Quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng xung quanh việc Quốc hội Mỹ thảo luận kế hoạch bán vũ khí cho lãnh thổ Đài Loan trị giá 6,4 tỷ USD, trong đó có nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa Patriot, máy bay trực thăng Black Hawk. Phía Trung Quốc cho rằng, hợp đồng bán vũ khí này đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã bắt đầu xem xét các biện pháp trả đũa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30-1 cho biết, Trung Quốc sẽ hoãn các cuộc đàm phán an ninh và quân sự song phương với Mỹ, trong đó có các chương trình trao đổi quân sự giữa hai nước, các cuộc thảo luận về an ninh chiến lược, kiểm soát vũ khí và chống phổ biến vũ khí… Trung Quốc cũng sẽ áp đặt cấm vận với các công ty Mỹ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan. Mỹ cũng đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman để phản đối.
Trong khi thế giới căng thẳng chờ đợi các diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Trung thì các nguồn tin từ vùng Vịnh cho biết, Mỹ cũng đang lặng lẽ cung cấp vũ khí cho các nước vùng Vịnh và nâng cấp quốc phòng của họ để ứng phó với điều Mỹ gọi là “khả năng tấn công quân sự từ Iran”.
Các cơ sở lọc dầu và những công trình quan trọng được ưu tiên bảo vệ. Theo tờ Washington Post, Mỹ có kế hoạch tăng gấp 3 lực lượng tự vệ của Saudi Arabia từ 10.000 người lên 30.000 người, đồng thời mở rộng các cuộc diễn tập quân sự với nước này. Quyết định tăng cường hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh tại vùng Vịnh được Chính phủ của cựu Tổng thống George W.Bush cam kết, trong đó có việc bán máy bay và hệ thống chống tên lửa.
Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab là hai nước được Mỹ đầu tư nhiều nhất với tổng số vũ khí mua của Mỹ trong 2 năm qua trị giá 25 tỷ USD. Mặc dù kế hoạch này có từ thời Tổng thống Bush nhưng Nhà Trắng vẫn đang xúc tiến vì Tổng thống Barack Obama đang gây sức ép lên Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Mỹ và đồng minh luôn nói về mối đe dọa từ Iran như là một “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh.
Tuy nhiên, dư luận thế giới có quyền hoài nghi về cái gọi là “mối đe dọa của Iran” vì cũng chính Washington và London từng thổi phồng về “vũ khí giết người hàng loạt” tại Iraq để lấy cớ tấn công nước này.
Những hợp đồng bán vũ khí của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang bận rộn với các chính sách kinh tế trong nước khiến người ta không khỏi ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn nữa là dường như nó “hơi ngược” với những gì Tổng thống Obama tuyên bố trong diễn văn nhậm chức về một chủ trương tăng cường hợp tác, giảm đối đầu. Đó có thể chỉ là bề nổi. Sự thật có lẽ là tổng thống nào của Mỹ cũng không muốn nước họ mất vị trí là nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và vẫn còn đó ảnh hưởng rất lớn của các công ty sản xuất vũ khí trên chính trường Mỹ.
Điều mà dư luận thế giới lo ngại chính là các hợp đồng bán vũ khí của Mỹ góp phần làm gia tăng chạy đua vũ trang, đẩy các nước tới nguy cơ chiến tranh lớn hơn.
Vũ Minh