“Cánh diều vàng 2006” bay tới đâu?

Trước lễ trao giải Cánh diều vàng 2006 của Hội Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau trên các phương tiện truyền thông. Ngay trong giới làm phim cũng không ít người đã hoài nghi về tiêu chí xét giải Cánh diều vàng 2006? Bày tỏ suy nghĩ với một số nhà báo, 3 đạo diễn (ĐD) có phim tham dự Cánh diều vàng 2006 là ĐD Bùi Tuấn Dũng (phim “Hà Nội, Hà Nội”), ĐD Lê Bảo Trung (phim “Võ Lâm truyền kỳ”) và ĐD Trương Dũng (phim “Chuông reo là bắn”) đều băn khoăn vì “Tôi không hiểu tiêu chí chấm giải năm nay thế nào?”.

  • “Cánh diều”: Niềm tin của giới điện ảnh?

5 năm qua, những phim nhận giải cao nhất của Hội Điện ảnh đều không quan trọng lắm với công chúng vì họ ít được xem! Thậm chí có phim nhận giải xong, khi chiếu rộng rãi cũng chỉ được ít buổi rồi đem cất vào kho. Và cứ sau mỗi lần trao giải, gặp dư luận phản ứng, hội lại rút kinh nghiệm cho năm sau thêm hoặc bớt giải thưởng (?). Phải chăng lý do đổi mới cơ cấu Cánh diều năm nay, thêm 2 giải phụ: giải Phục vụ khán giả đông nhất và giải Phim bán được nhiều vé nhất là để trấn an (!). Mặc dù cơ cấu giải được mở rộng hơn, nhưng các nhà làm phim tư nhân và Nhà nước, phía Nam và phía Bắc vẫn cho rằng chưa có sự công bằng khi xét giải.

Các nhà làm phim tư nhân bỏ tiền ra làm phim đều muốn doanh thu cao, có lợi nhuận và thực sự họ phải chịu áp lực từ phía khán giả. Các nhà làm phim Nhà nước nhận kinh phí làm phim đặt hàng, dù phim nghệ thuật hay tài liệu, hoặc dưới góc độ nào đó vẫn là để tuyên truyền, cổ động. Phim Nhà nước có thể đạt chất lượng cao hơn? Không hẳn thế, vì phim Nhà nước dự Cánh diều vàng 2006 đã bộc lộ rõ chất lượng nghệ thuật không hoàn toàn lệ thuộc vào đầu tư lớn hay nhỏ. Điều đáng nói ở đây là quan niệm của các nhà làm phim phía Nam và phía Bắc giữa hai luồng phim nghệ thuật và thương mại chưa được đồng nhất, nên phản ứng của các nhà sản xuất phim khá gay gắt. Giới làm phim đã không tin vào giải Cánh diều vàng, một số đạo diễn phim phía Nam (giấu tên) không tham dự giải năm nay với lý do “Tôi không tin vào ban giám khảo, họ không hiểu rõ tiêu chí xét giải thì chấm giải cho ai”.

Bắt đầu từ năm ngoái, các nhà báo được tham gia xem và xét giải báo chí dành cho phim dự Cánh diều vàng. Bỏ qua chuyện năm ngoái, với 7 bộ phim dự “Cánh diều vàng 2006”, cánh nhà báo đã không định bỏ phiếu vì thấy không có phim nào thật hoàn hảo. Sau khi nghe hội giải thích “chỉ là giải báo chí thôi mà, cơ cấu nó thế, không phải giải Cánh diều chính thức đâu”. À ra thế, cơ cấu ấy mà! Có 3/7 phim dự Cánh diều để nhà báo bỏ phiếu cho “Phim được Giải báo chí”. Kết quả là: phim “Hà Nội, Hà Nội” (3 phiếu), “Sinh mệnh” (7 phiếu), “Áo lụa Hà Đông” (6 phiếu).

Chỉ với 7 phim dự thi mà lại không có tác phẩm nổi trội, điều này không khỏi khiến nhiều người “cầm cân nảy mực” thấy lúng túng. Ngay như khi xét bình chọn giải Báo chí, đa phần các nhà báo đều tỏ ra “khó xử” trong việc “so bó đũa chọn cột cờ” bởi thực sự rất khó tìm ra tác phẩm nào xứng đáng bay lên cùng “diều vàng”. Rốt cuộc, “Sinh mệnh” may mắn thắng giải với 1 phiếu nhỉnh hơn “Áo lụa Hà Đông”, dù biết kết quả này chắc chắn không làm hài lòng nhiều người!

Nhìn chung, chất lượng phim cả nghệ thuật lẫn công nghệ kỹ thuật đều khó làm khán giả đến rạp xem phim. Giải Cánh diều vàng có thực sự còn uy tín hay không hãy để các nhà làm phim trả lời sau.

  • Chất lượng phim truyện nhựa: Khó hài lòng!

Phải nói rằng chưa lần xét giải nào trong vòng 5 năm tồn tại của giải Cánh diều vàng mà chất lượng phim truyện nhựa dự thi lại yếu như lần này. Hơn thế, trong số 7 phim dự giải cũng có thể chia ra 2 mảng rõ rệt: phim tạm xem được (gồm Áo lụa Hà Đông, Sinh mệnh và Hà Nội, Hà Nội) và phim không thể chấp nhận nổi (Khi nắng thu về, Võ lâm truyền kỳ, Chuông reo là bắn, Cú đấm).

Với mảng phim thứ hai, dễ dàng “nhặt” ra ở các tác phẩm đầy rẫy sự vô lý, dễ dãi, cẩu thả trong dàn dựng. “Khi nắng thu về” khiến người ta… tức cười bởi lối kể chuyện phim ngu ngơ, phi logic. “Võ lâm truyền kỳ” như một món “lẩu thập cẩm”, dù hội tụ đủ cả tấu hài, kỹ xảo và một dàn “sao giải trí” nhưng rốt cuộc chỉ đem lại những nụ cười nhợt nhạt cho người xem. “Cú đấm” thiếu thuyết phục ở mạch phim rời rạc, kém hấp dẫn. Còn “Chuông reo là bắn” thì quá phản cảm với những màn khỏa thân, khoe ngực, khoe mông thô thiển.

3 phim còn lại tuy có “giữ chân” được khán giả theo dõi từ đầu đến cuối nhưng cũng chưa thực sự mang “sức nặng” thuyết phục. “Áo lụa Hà Đông” mắc nhiều “lỗi” trong cốt truyện cũng như diễn xuất của Trương Ngọc Ánh còn “hiện đại” quá. “Sinh mệnh” lặp lại việc khai thác đề tài chiến tranh nên dù cố gắng hướng tới khía cạnh mới (kể về sự ra đời của một sinh linh bé bỏng trong cuộc chiến khốc liệt) thì vẫn chưa tạo được “ép-phê” cho khán giả. Trong khi đó, “Hà Nội, Hà Nội” - được nhìn nhận là tương đối ít “sạn”- lại dành 15 phút mở đầu để… sa đà vào việc quảng bá du lịch làm mất đi tính chuyên nghiệp của một bộ phim truyện nhựa.

  • Phim hay do kịch bản hay đạo diễn?

Chất lượng kịch bản của các phim dự giải năm nay thật đáng buồn. “Áo lụa Hà Đông” có ý tưởng hay, nhưng theo nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân - Ủy viên BGK thể loại phim truyện nhựa, phim rơi vào lắp ghép và minh họa ý tưởng. Đó là những chi tiết đã được các tác phẩm khác phản ánh: hai vợ chồng làm nghề vớt củi nhưng rồi bà vợ bị nước cuốn trôi và người chồng đem con ra ngóng vợ trong truyện ngắn “Anh phải sống” của Nhất Linh; cảnh người mẹ bán sữa trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố… Cảnh Dần bán sữa được tô điểm khá công phu và lặp đi lặp lại. Ông Nhân cho rằng, những cảnh này chỉ nhằm “thỏa ý thích của lạ của đạo diễn nhưng lại không đạt. Một gia đình người Hoa giàu có ở Sài Gòn - Chợ Lớn làm sao phải mua món sữa của bà mẹ 4 con, trừ phi lý do của nó là ông địa chủ còn sức lực muốn chơi trò trống bỏi... Cách xử lý chi tiết khiên cưỡng để đẩy đến cái điều phải có, không thuyết phục...”.

Là Trưởng phòng nghệ thuật của Hãng phim Giải Phóng, ông Nhân cho biết: “Kịch bản “Cú đấm” được một số thành viên Hội đồng duyệt kịch bản Hãng phim Giải Phóng khuyến cáo không nên đưa vào sản xuất. Kịch bản “Chuông reo là bắn” ban đầu cũng hổng chỗ này, chỗ kia. Khi quay xong phim, chúng tôi chống việc xử lý những cảnh khỏa thân nhưng quyền hạn thuộc về Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hãng.

“Sinh mệnh”, “Khi nắng thu về” và ngay cả bộ phim ẵm Cánh diều vàng “Hà Nội, Hà Nội” đều có những bất ổn trong xây dựng kịch tính và đường dây câu chuyện. Ví như người chồng từ chiến trận trở về, vì quá nhớ vợ và thèm khát một đứa con mà ra trận địa pháo nơi vợ đang trực chiến. Anh ta lôi hềnh hệch vợ về rồi… lăn xuống hố bom đất đá, bụi bẩn ngổn ngang và thanh thiên bạch nhật súng nổ bom rơi, đòi làm “chuyện ấy” mặc cho vợ ra sức trèo ra khỏi hố bom (“Sinh mệnh”)… Có những cảnh, nhà làm phim đã bê nguyên hiện thực ngoài đời để đưa vào phim một cách sống sượng và gây phản cảm cho người xem…

Ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam:
“Đừng quá phân biệt phim Nhà nước với phim tư nhân”

* Ông nghĩ sao trước dư luận cho rằng Hội Điện ảnh rất dũng cảm khi trao 2 Cánh diều vàng cho phim truyện nhựa, một kết quả chưa có trong tiền lệ của giải?

* Kết quả này phản ánh đúng tình hình phim truyện nhựa trong năm qua. Chọn 2 phim đồng giải vàng để thấy như vậy là mỗi tác phẩm vẫn còn những khiếm khuyết nhất định chứ chưa phải là “toàn bích”. Còn ý kiến “chia đều” giải là không đúng. Nếu các bạn có dịp ngồi nghe BGK thảo luận thì sẽ thấy rằng họ tranh cãi rất quyết liệt, làm sao có chuyện BTC can thiệp để chia giải được.

* Và kết quả cao nhất dành cho một bộ phim tư nhân cũng thể hiện một sự đổi mới trong tư duy trao giải?

* Đừng phân biệt giữa phim Nhà nước với tư nhân, phim miền Nam hay miền Bắc sản xuất. Hiện giờ, tất cả đều phải căn cứ vào tác phẩm, từ tác phẩm mà đưa ra đánh giá chứ không phải là xem phim của ai, ở đâu sản xuất để chấm giải. Lần này phim của các hãng Nhà nước chất lượng chưa cao nên trượt giải cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

VÂN CƠ-KHUÊ GIANG-VÕ THÂM

Tin cùng chuyên mục