Mùa khô
Trời nắng như đổ lửa. Tôi nghe thấy tiếng ve kêu rát cả giọng, cái giọng lả lướt, khàn đục. Con ve sầu lẫn trong hàng me, thầy giáo buông sách là lũ học trò chúng tôi cũng chực ào ra ngoài. Nắng tháng tư rạo rực, những cánh đồng của quê tôi cũng rực rỡ, cái rực rỡ của những đồng lúa vàng.
Tôi chắc thần mặt trời cũng phải ganh tỵ với cái sắc óng ả của nàng lúa. Tháng hè chim hay về làm tổ trên ruộng lúa, những đứa trẻ chăn bò, quê gọi tắt là trẻ bò, nhanh nhạy nhất vẫn thường phát hiện ra những tổ chim đầy trứng non được bện bằng cành lúa khô. Tụi nó đem về hấp nồi cơm. Lúa chín vàng, ngày mùa, chúng tôi lại lăn lộn trên những đống rạ với những thú vui riêng.
Có bận đồng lúa khô hạn, nứt nẻ, xót cả chân, lũ trẻ lùa đàn bò lên trên những triền đất cao. Đồng vàng, vườn tược đầy hoa trái. Trẻ bò luôn là những đứa sành ăn. Thức ăn của trẻ bò luôn là những thứ thơm lừng và khoái khẩu nhất. Đợi cha mẹ làm xong công rẫy thế nào chẳng sót lại khoai lang, khoai mì, đậu phộng…
Chúng tôi sẽ đi hái sim ở những cánh rừng thấp. Mùa tháng sáu chà là chín khắp núi. Đứa ra ruộng lúa lấy rạ, đứa đi đào khoai, đào sắn, nhổ đậu phộng, hái sim, hái dừa, bẻ mía, đứa tìm củi nhóm lửa. Khoai sẽ thật ngọt và thơm; sắn sẽ thật bùi và ngậy; dừa, mía, sim, chà là của núi sẽ ngọt và thanh…. Đã là trẻ bò thì hôm nào cũng có tiệc.
Chúng tôi tự tạo cho mình phong cách và những nguyên tắc “hoạt động” riêng - phải ăn cho thật sảng khoái. Ví như việc ăn dưa hấu chẳng hạn, chẳng bao giờ xẻ dưa thành từng miếng, ấy là cách ăn “quý tộc”. Trẻ bò có những nguyên tắc riêng khi ăn dưa. Có dưa là chúng tôi lập tức đập trái dưa vào đầu gối cho bể đôi, bể tư và “gậm nhấm” nó trong cái gió, cái nắng và tiếng cười. Trẻ bò có luật lệ, “uy tín” riêng, chỉ ăn khi được phép của gia chủ, chỉ hái trái cây, rau quả của thiên nhiên, vừa chăn bò vừa quản lý luôn ruộng vườn của nông dân mà thực chất là của cha mẹ chúng tôi.
Cha mẹ chúng tôi có bận phải tránh nắng hè bằng việc lấy đêm làm ngày, khi trăng lên trời thanh dịu, bà con lại ra đồng gặt lúa đêm đến mệt thì thôi, sáng hôm sau ra đồng thiệt sớm, nắng lên thì nghỉ về nhà làm việc khác. Con trăng tháng tám thường tròn vằng vặc, mẹ nấu một nồi bắp to đùng cho chúng tôi ăn. Bắp của mẹ nấu ngọt và ngon. Chúng tôi hít lấy hít để mùi nước bắp ngọt xợt, có đứa còn xơi cả cùi bắp non.
Mùa mưa…
Thu hoạch đúng mùa mưa thật vất vả. Lúa vớt lên chưa kịp phơi đã có mộng là chuyện thường. Cái thú chơi đồng của chúng tôi ngày tháng này cũng có cái hay riêng. Ấy là thời điểm để thả lờ bắt cá. Cá rô đồng mùa này nhiều nhất, có bận cha tôi làm cả mấy xâu. Tối đến chúng tôi sẽ nướng lũ cá rô ấy, nướng đến khi dậy mùi thơm, mẹ sẽ làm mắm đường rưới lên, cho chúng tôi ăn tại chỗ.
Cánh đồng mùa mưa là mùa sinh sôi của lắm thứ cá. Cá lóc cho mẹ nấu canh chua, cá chạch trơn tuột đem về um khế…. Tối đến, gió nhẹ, cha tôi cột cái đèn pin lên đầu, tay cầm cuốc, còn tôi xách cái thùng lẽo đẽo theo sau. Đi bắt cá đêm là cái thú vui khó tả. Cua, cá, lươn, ốc và thậm chí là cả rắn nước…. cứ nổi lên mồn một, việc của tôi là soi đèn pin cho cha tôi bắt chúng. Đi độ 2 tiếng đồng hồ là mẹ tôi đã có nguyên liệu cho nồi cháo cá ngọt lành, cho nồi canh cua nức mũi và dĩ nhiên những cái càng cua to nhất chúng tôi sẽ nướng và chia nhau.
Những cánh đồng luôn là mảnh đất thú vị nhất cho chúng tôi cưỡi bò, thả diều, ăn vặt… Ấy vẫn thường là những kỷ niệm ngọt ngào và trong sáng nhất. Ít ra sau những buổi học chúng tôi đã có những trò chơi lành mạnh để khám phá, để mặc sức chơi đùa và cảm nhận nét đẹp đặc trưng của miền quê nước Việt, để có một tuổi thơ yên lành, nuôi dưỡng những tâm hồn lành mạnh, bay xa…
THẨM TRINH