Tự tin đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa sâu rộng, hình ảnh quốc gia ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng. Việt Nam, với bề dày văn hóa, khát vọng phát triển và vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề toàn cầu, đang nỗ lực xây dựng chiến lược nhằm quảng bá hình ảnh một đất nước “ổn định, phát triển, sáng tạo, đổi mới và giàu bản sắc văn hóa” trong mắt bạn bè quốc tế.

Kể chuyện bằng cảm xúc

Tại tọa đàm Định vị Việt Nam - Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết của một chiến lược truyền thông quốc gia hiện đại, đa nền tảng và có tầm nhìn dài hạn.

V6a.jpg
Nghệ sĩ saxophone Nguyễn Bảo Anh (Việt Nam) đã khiến khán giả đội mưa để thưởng thức phần trình diễn ngoài trời tại EXPO 2025 (Nhật Bản)

Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ VH-TT-DL), thẳng thắn nhìn nhận: “Hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế hiện vẫn chưa tương xứng với những thành tựu mà đất nước đã đạt được. Vì thế, cần một chiến lược bài bản, dài hạn để khẳng định vị thế xứng đáng của Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Theo dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài đang được hoàn thiện, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong tốp 40 quốc gia có mức độ xuất hiện tích cực cao trên truyền thông toàn cầu, đồng thời thu hút 35 triệu lượt khách quốc tế và ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7%-8% GDP. Chiến lược cũng yêu cầu 100% các tỉnh, thành phố triển khai truyền thông ra nước ngoài theo định hướng thống nhất.

Tuy nhiên, xây dựng một chiến lược không chỉ dừng ở việc đặt ra chỉ tiêu, mà quan trọng hơn là phải xác định rõ thông điệp và người kể chuyện. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Australia và Đan Mạch, ông Lương Thanh Nghị, nhấn mạnh: “Làm truyền thông quốc gia phải có thông điệp nhất quán và xuyên suốt trong ít nhất 5-10 năm. Cần có một “tổng đạo diễn”, người đứng đầu và chịu trách nhiệm dẫn dắt hình ảnh quốc gia. Ngoài ra, nên sử dụng các KOLs (người nổi tiếng trên mạng), influencers (người có tầm ảnh hưởng) nước ngoài vì người bản xứ kể chuyện Việt Nam sẽ dễ được tin tưởng và lan tỏa hơn chính chúng ta kể”.

Trong khi đó, TS Đỗ Anh Đức (ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng: “Chiến lược nào không có sự đồng thuận của người dân thì sẽ thất bại. Họ chính là những người kể chuyện gần gũi và chân thật nhất từ chiếc áo dài, bữa cơm gia đình đến lối sống giản dị. Mỗi câu chuyện nhỏ tạo nên một bức tranh lớn và đầy cảm xúc. Đó là cách chúng ta khiến thế giới lắng nghe”.

Định vị Việt Nam bằng văn hóa

Trong các yếu tố tạo nên hình ảnh quốc gia, văn hóa được xem là sức mạnh mềm, là lợi thế bền vững và độc đáo của Việt Nam. PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn về sức mạnh mềm văn hóa. Nhưng nếu không có chiến lược dài hạn, cơ chế tài chính đủ mạnh và sự tham gia đồng bộ của các thành phần xã hội thì sẽ rất khó để tạo dấu ấn”.

Ông viện dẫn bài học từ các mô hình thành công: Trung Quốc có Viện Khổng Tử, Hàn Quốc với làn sóng Hallyu, Nhật Bản với chiến lược “Cool Japan”… Tất cả đều đặt văn hóa vào trung tâm phát triển quốc gia và đầu tư bài bản từ nội dung, truyền thông đến giáo dục. Hình ảnh quốc gia không chỉ là việc làm truyền thông, mà là cách chúng ta sống, phát triển và truyền cảm hứng…

Từ góc nhìn quốc tế, ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, gợi ý: “Việt Nam nên kể những câu chuyện đậm bản sắc bằng phương pháp hiện đại, thông qua ngành công nghiệp nội dung. Truyền thông không phải để lấy kết quả tức thì, mà là để tạo ra giá trị dài hạn”. Trong thời đại kỹ thuật số, các nền tảng truyền thông đa phương tiện sẽ là công cụ hiệu quả để kết nối thế giới với hình ảnh Việt Nam đổi mới và sáng tạo.

Một trong những lĩnh vực trực tiếp hưởng lợi từ thương hiệu quốc gia là ngành du lịch. Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, thương hiệu quốc gia chính là nền tảng cốt lõi để xúc tiến du lịch. Hình ảnh Việt Nam nếu hấp dẫn, cảm xúc và đủ thuyết phục thì sẽ thu hút du khách quốc tế. “Mỗi người dân, mỗi du khách là một đại sứ thương hiệu quốc gia. Họ trải nghiệm, hài lòng và kể lại…, đó là truyền thông thực tế và hiệu quả nhất. Du lịch lượng hóa được điều này qua số lượng khách tăng trưởng từng năm, trong khi các nền tảng số thì không”, ông Vũ Quốc Trí cho biết thêm.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế. Để làm được điều đó, cần có một chiến lược truyền thông thông minh, vừa hiện đại, vừa nhân văn; tận dụng ưu thế công nghệ, nhưng vẫn giữ bản sắc. Và quan trọng hơn hết, cần khơi dậy khát vọng kể chuyện Việt Nam từ chính người Việt, để mỗi công dân là một đại sứ, mỗi câu chuyện là một sứ mệnh lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục