Năng lực kỹ thuật của người Việt xưa lên sách

Thông qua ấn phẩm "Kì công diệu nghệ" (NXB Kim Đồng), tác giả Đông Nguyễn và họa sĩ Kaovjets Ngujens mang đến cái nhìn đầy sinh động và trực quan về lịch sử nước nhà, được soi chiếu qua một số kỹ thuật và công nghệ trước thế kỷ XX.

Từ rất sớm, những phát minh mới mẻ của nhân loại đã được ông cha ta biết tới, tìm cách học hỏi và làm chủ. Với Kì công diệu nghệ, bạn đọc có thể sẽ bất ngờ khi bắt gặp không ít những ghi chép về sự sáng tạo, đổi mới của bậc tiền nhân trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải hay quân sự… nhằm cải thiện đời sống, nâng cao năng suất lao động, bảo vệ và mở mang bờ cõi.

Sách giới thiệu đến bạn đọc 30 kỹ thuật và công nghệ nổi trội (cả du nhập lẫn tự sáng tạo) mà những người con từng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S đã ứng dụng vào đời sống trước thế kỷ XX. Trong lĩnh vực sản xuất, từ thời Đông Hán (thế kỷ I-III), người Việt (lúc đó được gọi là Giao Chỉ) đã biết đun thân chuối lấy sợi để dệt vải hay áp dụng phát minh guồng đạp để dẫn nước vào ruộng. Còn trong phát triển xây dựng, đã có rất nhiều kỹ thuật do người Việt sáng tạo hoặc áp dụng từ xa xưa như đấu củng, thủy niết, cốt thép cho công trình…

CN3 xem nghe doc.jpg

Để lại nhiều bất ngờ và thú vị hơn cả có lẽ là những thông tin ở chương 5 - Kỹ thuật và phát kiến quân sự. Bạn đọc sẽ ngạc nhiên về sự sáng tạo, tài năng và tinh tế của tiền nhân qua việc chế tác binh khí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ yên bờ cõi.

Chẳng hạn, trong sách Du hoạn kỷ văn thời Tống (960-1279) lưu lại việc vào năm 958, Quốc vương Chiêm Thành (Chăm Pa) là Nhân Đức Mạn cống cho nhà Hậu Chu (951-959) ở Trung Quốc 84 bình Mãnh Hỏa Du (dầu cháy đượm). Đây là thứ vũ khí cực kỳ lợi hại trong thủy chiến lẫn bộ chiến thời đó. Hay trong văn bản Cổ tích thần từ bi ký - Lịch đại gia ban phụ ký do Trương Hán Siêu soạn vào năm 1321 đã nhắc đến súng đạn. Điều này cho thấy, việc sử dụng súng và đạn trên lãnh thổ nước ta đã sớm hơn châu Âu hàng chục năm.

Thêm một bất ngờ nữa là trường hợp của Gươm trường (gươm dài). Trong mắt học giả nhà Thanh thế kỷ XVII là Khuất Đại Quân (1630-1696), có một thứ binh khí sánh ngang với thanh đao (Katana) Nhật Bản, chính là cây gươm trường của Đại Việt với lời mô tả: “Chém trâu có đao Giao Chỉ, cực dài, cũng có rãnh không có sống, tinh mỹ như của Nhật Bản”.

Những nội dung trong sách bước đầu được khảo cứu qua các văn bản và thư tịch cổ, được in màu 100% với nhiều tranh minh họa sinh động, trình bày khoa học, dễ hiểu. Với góc nhìn khái quát, cuốn sách phần nào khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, niềm đam mê khoa học và đổi mới công nghệ trong trái tim bạn đọc trẻ hôm nay.

Tác giả Đông Nguyễn là đồng sáng lập nhiều nhóm và trang chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cổ như Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Centre, Vương Sư Kiên Duệ… Kaovjets Ngujens là họa sĩ người Latvia gốc Việt theo phong cách tả thực, tác giả truyện tranh Người giết gấu, Người thổi tù và vùng Talavas… Sau Lôi Động Tinh Phi - Khảo cứu về súng đạn người Việt, Kì công diệu nghệ là ấn phẩm thứ 2 mà Đông Nguyễn và Kaovjets Ngujens cùng thực hiện.

Tin cùng chuyên mục