
Văn Miếu xây dựng vào năm 1808, dưới thời vua Gia Long để thờ Khổng Tử. Dưới triều vua Minh Mạng trở về sau, Văn Miếu là nơi đặt bia ghi danh trạng của các vị tiến sĩ đỗ đạt tại các kỳ thi hội được tổ chức dưới triều các vua Nguyễn.
Văn Miếu là một biểu tượng độc đáo của nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn vương quyền phong kiến thống trị.
Việc lập Văn Miếu và dựng bia tiến sĩ nhằm nhắc lại cụ thể sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đằng sau Đại thành môn ở Văn Miếu là hai dãy nhà đặt 32 bia đá (trong đó có 31 bia là của các khoa thi khắc tên 292 vị tiến sĩ đỗ ở 39 khoa và một bia khắc tên vị tiến sĩ đặc cách Bùi Ân Niên).
Ở chính giữa là gian thờ Khổng Tử và nền móng còn sót lại của công trình Đại thành điện. 293 vị tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Mỗi bia đá ghi danh tiến sĩ đều được đặt trên một tượng rùa tương tự như ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tượng rùa ở Văn miếu Huế được tạc không giống nhau. Chiều cao các bia đá ghi danh cũng khác nhau.


Khi còn nguyên vẹn, nơi đây có gần 20 công trình lớn như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn đường, nhà Thổ Công, Đại Thành môn, Văn Miếu môn, Quan Đức môn, Linh Tinh môn, La thành, bến vua ngự...



Hiện trong khuôn viên của di tích Văn Miếu, nhiều công trình đã bị xóa sổ, trong đó có điện chính là Đại Thành điện, nơi thờ Khổng Tử đã đổ nát hoàn toàn chỉ còn lại nền móng. Hệ thống các cổng chính như Văn Miếu môn, Quan Đức môn và Đại Thành môn cũng đều hư hỏng…
Trước đó vào năm 2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) thông qua dự án thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích Văn Miếu với kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 3 năm với nhiều hạng mục như phục hồi chính điện, Văn Miếu môn, bến thuyền, lát gạch sân miếu… Tuy nhiên do nhiều lý do, việc thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích Văn Miếu hiện chưa diễn ra theo dự kiến.


Nằm cạnh di tích Văn Miếu là di tích Võ Miếu được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng.
Đây là Võ Miếu duy nhất tại Việt Nam, được vua Minh Mạng ban chiếu lập từ năm 1835 (cùng với Văn Thánh miếu) để thờ các vị võ thần và võ tướng dẹp yên các cuộc nổi dậy nửa đầu thế kỷ XIX.
Công trình này cho dù bị chiến tranh và thời gian tàn phá gần như hoàn toàn, chỉ còn lại năm tấm bia đá và một số dấu vết nền móng, nhưng đã được UNESCO xếp vào danh mục 20 di tích là di sản văn hóa nhân loại tại Huế.
Theo sách "Đại Nam thực lục", vua Minh Mạng dụ rằng: "Những người được thờ ở Võ Miếu tất phải là bậc có công liệt rõ ràng, giữ trọn trước sau, mới đủ để nêu rõ ý nghĩa thờ tự và làm gương lâu dài cho sau này... Nay chuẩn cho: trong danh tướng các triều đại thì lựa lấy Trần Quốc Tuấn và Lê Khôi; trong danh tướng tiên triều ta thì lấy Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương tất cả sáu người, liệt vào thờ phụ ở giải vũ tả hữu nhà Võ miếu".
Khác với di tích Văn Miếu còn khá nguyên vẹn và sắp được trùng tu, di tích Võ Miếu đang dần trở thành phế tích và có nguy cơ bị xâm lấn, xóa sổ.