Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu đã được 2 năm qua. Là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ 2 Đông Nam Á, cao nguyên đá Đồng Văn đẹp lắm, hùng vĩ lắm, độc đáo lắm. Vậy mà những cư dân nơi đây vẫn sống cơ cực, chịu đựng sự khắc nghiệt của tiết trời. Cao nguyên đá Đồng Văn như viên ngọc thô còn vùi lấp trong đá…
Hùng vĩ và lộng lẫy
Đã nhiều lần xem, đọc, nghe về vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng mãi đến khi đặt chân đến cao nguyên đá này, tôi mới hiểu nó không chỉ đẹp… vì đá mà đẹp vì chính con người nơi đây, những cung đường đèo hiểm trở, những đồi ruộng bậc thang,… đã điểm tô thêm rực rỡ, lộng lẫy.
Chiếc ô tô 16 chỗ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang trườn mình nặng nhọc đưa chúng tôi từ TP Hà Giang đi cao nguyên đá Đồng Văn trong cái lạnh 2°C. Qua quốc lộ 4C, qua đỉnh Mã Pì Lèng huyền thoại trên con đường Hạnh Phúc, qua những con dốc đứng dựng ngược, trong bồng bềnh sương trắng. Bên núi đá cao ngút ngàn, bên vực sâu tít tắp. Gần 150km từ TP Hà Giang đến điểm cực Bắc của Tổ quốc – cột cờ Lũng Cú, qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc,… chiếc xe phải ôm gần 600 khúc cua với những con dốc dựng ngược.
Tạo hóa đã rất công bằng khi “bù” cho cao nguyên đá đầy hiểm nguy này bằng một vẻ đẹp hùng vĩ, lộng lẫy mê hoặc lòng người. Con đường Hạnh Phúc ngoằn ngoèo vắt từ ngọn núi này qua thung lũng kia sang đỉnh núi nọ như dải lụa trên đôi tay người vũ nữ. Những thiếu nữ Mông với chiếc váy xòe, những chiếc khăn quàng đầu rực rỡ như những bông hoa đào điểm xuyết trên cung đường dải lụa sương trắng. Phía thung lũng xa xa, những ngôi nhà làm bằng đất của đồng bào dân tộc thiểu số bên những đồi ruộng bậc thang xanh mướt tương phản giữa bạt ngàn đá vôi lởm khởm, trong bồng bềnh sương khói trông như một bức tranh thủy mặc khổng lồ được tạo hóa triển lãm giữa cao nguyên đá.
Trung úy Tuyến, lái xe của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, người có thâm niên gần 15 năm qua những cung đường Hạnh Phúc hoa mỹ: “Vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn là không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Vì vậy, chỉ có đích thân đến đây mới cảm nhận được vẻ đẹp của cao nguyên đá này. Tôi đã lái xe cả chục năm trên cung đường này nhưng lần nào qua đây lòng cũng phơi phới như cô dâu mới…”.
Nghĩ đúng thật, vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn chẳng ngôn từ nào vẽ được. Một vẻ đẹp có thể từ phiến đá, từ cung đường, từ ngôi nhà làm bằng đất, những hàng rào bằng đá cho đến cái phiêu, cái đẹp “lãng mạn hơn cả người Pháp” của người vợ dắt ngựa đèo chồng say rượu sau phiên chợ về nhà trong sương lạnh giá...
- Viên ngọc thô
Cao nguyên đá Đồng Văn cao từ 1.000 đến 1.600m. Nhiệt độ mùa hè cao nhất khoảng 24°C, mùa đông khoảng 1°C nhưng cao nguyên đá là điểm đến du lịch tuyệt vời. Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trải dài trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, phía Bắc tỉnh Hà Giang trên diện tích hơn 574 cây số vuông. Đây cũng là nơi cư ngụ của hơn 250.000 đồng bào của 17 dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng, Lô Lô…
Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Cao nguyên đá Đồng Văn là sự hội tụ của những sự độc đáo, từ diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú cho đến bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Không những thế, cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi hội tụ của những di tích, danh thắng “độc nhất vô nhị”…
Mặc dù cao nguyên đá Đồng Văn “sở hữu” tiềm năng du lịch độc đáo, với nhiều điểm đến nổi tiếng như: Núi đôi Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú, khu phố cổ Đồng Văn, di tích kiến trúc nhà Vương và đặc biệt là chợ phiên, chợ tình… đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn hết sức khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Một trong những nguyên nhân gây ra cái nghèo của các huyện trên cao nguyên đá đó là sự khắc nghiệt của thời tiết, đường đi hiểm trở. Bên cạnh đó, kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ tháng 10-2010 đến nay nhưng chưa được sự đầu tư đúng tầm mức để thúc đẩy thế mạnh du lịch nơi đây. Vì thế, đến nay, cao nguyên đá Đồng Văn như viên ngọc thô còn nằm lẫn lộn trong đất đá cao nguyên, chưa được mài giũa để tỏa sáng.
Hiện nay, tỉnh Hà Giang nói chung và các địa phương trên cao nguyên đá Đồng Văn đã bắt đầu bắt tay vào công việc “mài giũa” viên ngọc thô này với mong muốn một ngày không xa, cư dân cao nguyên đá Đồng Văn không còn sống cảnh nghèo nàn như hiện nay.
Ông Nguyễn Trung Ngọc, chủ một doanh nghiệp có tiếng tại Đồng Văn vừa được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn phụ trách mảng phát triển kinh tế du lịch, hy vọng: “Mặc dù hiện nay địa phương còn nhiều khó khăn nhưng Đồng Văn sở hữu nhiều điểm du lịch độc đáo, như: Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, làng cổ Lũng Cẩm, cao nguyên hoa tam giác mạch... Đó là vốn quý, là “của để dành” của Đồng Văn. Vì thế, trong năm 2013, chúng tôi đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm để từ đó có điều kiện tạo cú hích cho phát triển kinh tế, phát huy giá trị của nó, để làm sao người dân được hưởng lợi. Chúng tôi xác định, phát triển du lịch là đồng nghĩa với xóa nghèo bền vững. Trong năm 2013, chúng tôi sẽ phát triển hệ thống khách sạn và đầu tư các dịch vụ du lịch khác nhằm phục vụ tốt nhu cầu của du khách khi đến với Đồng Văn. Đặc biệt, Đồng Văn có di tích lịch sử cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Đây là mốc son để giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông ta, vì thế, tôi mong muốn không những biến nơi đây trở thành một điểm đến du lịch mà còn mong muốn mọi người dân nước Việt đều đến nơi đây một lần để được đứng trên đỉnh cột cờ nhìn về Tổ quốc phương Nam thân yêu…”.
| |
NGUYÊN KHÔI