Cao su rớt giá, điệp khúc chặt - trồng

Thời gian qua, giá cao su trên thị trường liên tục giảm mạnh khiến người trồng cao su bị lỗ nặng. Để tự cứu mình, nông dân các tỉnh Đông Nam bộ - vựa mủ cao su của cả nước đã ồ ạt chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền, chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn như tiêu, cà phê...
Cao su rớt giá, điệp khúc chặt - trồng

Thời gian qua, giá cao su trên thị trường liên tục giảm mạnh khiến người trồng cao su bị lỗ nặng. Để tự cứu mình, nông dân các tỉnh Đông Nam bộ - vựa mủ cao su của cả nước đã ồ ạt chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền, chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn như tiêu, cà phê...

Nước mắt “vàng trắng”

Một ngày đầu năm 2015, trong khi khắp nơi người người, nhà nhà vui tươi đón chào năm mới, thì gia đình bà Nguyễn Thị Lê ở xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) hầu như không có tiếng cười. Thay vào đó là tiếng chổi quét lào xào, tiếng máy cưa chạy lè xè để xẻ nhỏ những cây cao su vừa được đốn hạ. Đó là những công việc của gia đình bà Lê khi vừa chặt bỏ gần 2ha cao su đang khai thác, được trồng từ năm 2005.

Chỉ tay vào đống gỗ cao su vừa được đốn hạ, bà Nguyễn Thị Lê ngậm ngùi cho biết: “Nhà tôi có 4ha cao su, những năm qua nhờ bán mủ mà cuộc sống của gia đình tôi được dễ thở đôi chút. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay giá giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg mủ tươi so với mức giá 30.000 - 40.000 đồng/kg cùng kỳ năm trước. Tiền cạo mủ không đủ trả tiền công nên tôi quyết định chặt bớt vườn cây để bán gỗ. Hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Phần còn lại, người nhà tự cạo mủ lấy công làm lãi, chứ thuê nhân công thì không còn gì để ăn”.

Khi cao su rớt giá, người dân các tỉnh Đông Nam bộ chặt bỏ vườn cây.

Tại các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, nhiều người cũng đang đua nhau chặt bỏ cây cao su, dù sắp tới chưa biết trồng cây gì thay thế. Có mặt ở ấp Bưng Sê, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục ha cây cao su đang cho thu hoạch mủ bị người dân chặt bỏ. Những hộ dân chúng tôi gặp đều tỏ ra xót xa khi phải đốn hạ vườn cao su khi cách nay chỉ vài năm đã giúp họ làm giàu. Thời đó, cây cao su được họ ví như “vàng trắng” và có người đã trở thành tỷ phú nhờ loại cây này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính của tình trạng chặt bỏ cây cao su là do giá mủ cao su giảm mạnh. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng lượng mủ thu hoạch được các thương lái bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên có thể bị ép giá, cây cao su già cỗi, sản lượng thấp... Ngoài ra, trong giai đoạn 2010 - 2011, giá mủ cao su tăng cao, nên nhiều tỉnh đồng loạt trồng cao su dẫn đến cung vượt cầu.

Khuyến cáo vô hiệu

Việc nông dân ồ ạt trồng các loại cây khi đang được thị trường tiêu thụ mạnh và lại đua nhau chặt bỏ vườn cây khi sản phẩm bị rớt giá, từ trước tới nay vẫn là điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đơn cử, khi giá cao su tăng cao, nông dân các tỉnh miền Đông Nam bộ đã không tiếc tay chặt bỏ vườn điều để trồng cao su. Hệ quả là diện tích cao su tăng đột biến trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2012.

Rồi nay, cao su rớt giá họ lại chặt bỏ để trồng loại cây khác mà quên mất những hệ lụy từ việc “chặt - trồng”. Còn nhớ những năm 1998 - 1999, khi cao su mất giá, tỉnh Bình Phước đã từng ra chỉ thị cấm chặt cao su nhưng cũng không cản được, tình trạng chặt bỏ cây cao su vẫn diễn ra ồ ạt. Khi mủ cao su tăng giá trở lại, người dân đã phải trả giá đắt.

Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu đó, chính quyền các địa phương của tỉnh Bình Phước đang ra sức vận động bà con nông dân không chặt bỏ cao su, cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn này. Thế nhưng, việc làm này vẫn như “nước đổ lá khoai”, bởi người dân không thể cầm cự nổi đợi ngày cây cao su tăng giá, nếu như không có được sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay, dù được khuyến cáo nhưng bà con nông dân vẫn chặt bỏ hàng trăm hécta cao su để chuyển sang cây trồng khác. Chúng tôi không thể cấm được. Bà con thấy trồng cây nào có giá trị kinh tế, lợi nhuận cao thì họ trồng, sở chỉ vận động, khuyến cáo bà con chứ không thể dùng biện pháp hành chính chế tài được.

Để cây cao su tìm lại được vị thế là “vàng trắng” và người nông dân thoát vòng luẩn quẩn chặt - trồng, cần phải xác định rằng, cây cao su vẫn là cây công nghiệp lâu năm, là cây trồng đa mục đích, có hiệu quả kinh tế cao đối với sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam bộ nói riêng và của đất nước nói chung. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện những giải pháp căn cơ để cho cây cao su phát triển bền vững trong tương lai.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục