Câu chuyện dưới cờ

"45 năm trước, đêm giao thừa, Bác Hồ đã lặng lẽ đi thăm một gia đình nghèo ở Hà Nội. Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Tín, một công nhân thất nghiệp 40 tuổi, góa chồng và đang nuôi 4 đứa con bằng nghề gánh nước thuê ở phố Hàng Chĩnh. Xe dừng cách ngõ 200m, cả đoàn phải đi bộ vào. Gần giờ giao thừa con ngõ thật vắng, từ xa chị Tín đang quảy đôi quang gánh đi ngược ra ngoài phố, tranh thủ gánh thêm vài gánh lấy ít tiền mua quà bánh tết cho các con.  “Chị về đi, có khách ghé thăm!”. 

Người phụ nữ nghèo khổ nhìn những vị khách, rồi chị bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, chạy bổ tới ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: “Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!”.

Mọi người tặng quà tết của Bác cho lũ trẻ và đốt nhang trên bàn thờ.  Trong không gian ấm cúng đêm giao thừa Bác ân cần thăm hỏi chuyện học những đứa trẻ và lắng nghe chuyện cuộc sống khó khăn của mẹ con chị Tín. Nghe tin Bác đến thăm mẹ con chị Tín, hàng xóm kéo đến đón Bác chật cả ngõ. Bác nói với mọi người: “Bữa nay Bác vui vì tình cờ gặp các cụ, các cô chú, nhưng Bác cũng rất buồn vì mới từ nhà cô Tín ra. Giờ này sắp giao thừa, các cô chú có biết cô Tín còn đi gánh nước thuê không? Tại sao cả một khu phố vầy mà không thấy ai quan tâm đến một gia đình như cô Tín?”.

Đó là năm đầu tiên Bác  đi chúc tết người dân về mà lòng thật buồn. Người nói: “Hôm nay mình đã đi đúng người thật việc thật rồi, nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải là nhà cô Tín rồi…”.

Câu chuyện này do Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể đã có nhiều người biết đến, nhưng trong không gian thinh lặng buổi sáng chào cờ đầu tuần của Thành ủy TPHCM, do đảng viên Phan Xuân Biên thuộc Đảng bộ Ban Tuyên giáo kể lại đã khiến mọi người cảm động.

Điều mà người kể muốn nhấn đến đó là những bài học được rút ra từ câu chuyện kể trên: Tôn trọng sự thật,  không hình thức, không chạy theo thành tích và luôn gắn với thực tiễn. Câu chuyện trên còn nhắc nhở mọi người phải biết quan tâm, đùm bọc lẫn nhau với truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”, loại bỏ ngay lối sống thờ ơ kiểu “đèn nhà nào, nhà ấy rạng”.

Câu chuyện trên còn nhắc mọi người, nhất là cán bộ phải tránh thói quan liêu và phải dũng cảm nhận khuyết điểm (vì ngay tại thủ đô mà vẫn để người dân nghèo “hết còn chỗ để nghèo”).

Người kể chuyện đã liên hệ thực tế bằng cách dẫn việc TPHCM đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu không hợp lý để chăm lo tết cho người nghèo và thành phố mang tên Bác đã có một cái tết thật ấm cúng bởi “nhà nào cũng có tết”. Chúng tôi, mỗi tuần trong buổi sinh hoạt dưới cờ đều được nghe một đảng viên kể câu chuyện về Bác mà từ đó đã soi rọi lại mình và tự sửa mình bằng việc làm thiết thực trong đời sống hàng ngày, mỗi khi có thể.

Dưới cờ, được nghe một câu chuyện giản dị về Bác, chúng tôi thấy việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ là nghe và hiểu chuyện tấm lòng của Bác mà câu chuyện ấy đã đi vào tiềm thức và đang trở thành cách hành xử tốt đẹp cho mỗi người.

Vĩnh Hảo

Tin cùng chuyên mục