Câu lạc bộ internet nông dân

Không dừng ở việc dạy kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, giờ đây ở An Giang, Hội Nông dân còn triển khai dự án mô hình Câu lạc bộ Internet (CLBI) của nông dân và coi đó như một biện pháp xóa đói thông tin ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh này.
Câu lạc bộ internet nông dân

Không dừng ở việc dạy kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, giờ đây ở An Giang, Hội Nông dân còn triển khai dự án mô hình Câu lạc bộ Internet (CLBI) của nông dân và coi đó như một biện pháp xóa đói thông tin ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh này.

Ông Nguyễn Thanh Dân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết: “Trong quá trình sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường, nông dân không thể không cập nhật thông tin về khoa học kỹ thuật; giá nông sản phẩm; giá vật tư và những địa chỉ tiêu thụ tin cậy…”. Xuất phát từ suy nghĩ này, năm 2004 HND tỉnh An Giang đột phá triển khai dự án mô hình CLBI của nông dân. Để Dự án hoạt động đạt mục đích và hiệu quả, HND tỉnh này đã hợp tác với các chuyên gia ở trung tâm tin học & thông tin khoa học công nghệ (Sở KH & CN) để chuyển giao việc ứng dụng tin học trên mạng Internet cho các CLB của nông dân.

Dự án được thực hiện thí điểm tại 5 xã - thị trấn trên địa bàn tỉnh, gồm: thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn), xã Vĩnh Thuận (Châu Thành), Bình Thạnh Đông (Phú Tân), Núi Voi (Tịnh Biên) và xã Bình Phú (Châu Phú). Tại các CLBND này, HND tỉnh mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị cần và đủ như máy tính, máy in, thẻ truy cập… song song với việc dạy vi tính và kỹ năng truy cập xử lý thông tin trên mạng Internet cho các thành viên nòng cốt trong CLBI với thời gian gần 100 ngày.

Việc trang bị kiến thức căn bản và phương tiện chuyên dụng đã giúp các CLBI của nông dân nhanh chóng nắm bắt về giá nông sản, giá vật tư, nhu cầu thị trường nước ngoài về gạo, cá ba sa… là những mặt hàng nông dân An Giang trực tiếp sản xuất.

Ông Phạm Huy Định thành viên trong CLBI của nông dân xã Núi Voi huyện biên giới Tịnh Biên kể: “Chỉ hơn hai tháng theo học tin học do HND dạy, thời gian chưa bằng sản xuất một vụ lúa nhưng hiệu quả tăng gấp nhiều lần nếu cứ ở nhà bán ruộng”. Anh Định cho biết, nhờ truy cập kịp thời các thông tin về giá lúa ở thời điểm đầu vụ hè thu 2004 chỉ có 1.800đồng/kg và nhu cầu xuất khẩu gạo những tháng cuối năm đã giúp anh tìm cách bảo quản giữ lại 10 tấn lúa, một tháng sau bán với giá 2.250 đồng/kg nên thu lãi 4 triệu đồng.

Riêng CLBI của nông dân xã trong thời gian này đã cung cấp cho Đảng ủy - UBND và đài truyền thanh 30 bản tin KHKT phổ biến cho bà con nông dân. Trong khi đó, tại CLBI của nông dân xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành), anh Lăng Hoàng Dũng, một thành viên của CLB cũng khẳng định: “Mặc dù xã vùng sâu của chúng tôi đã xóa xong đói nhưng vẫn còn nghèo thông tin, nay nhờ được truy cập Internet bà con không chỉ hiểu các văn bản pháp luật mà còn được học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các thông tin về giá hàng nông sản…”.

Theo anh Dũng, đối với vùng sâu, vùng xa mạng Internet giống như một thư viện thu nhỏ, nếu người nông dân được hướng dẫn họ sẽ khai thác các tư liệu nóng trên thư viện này rất hiệu quả.

Mặc dù còn trong quá trình xây dựng thí điểm mô hình giúp nông dân truy cập Internet nhưng những thành công ban đầu ở 5 CLBI do HND An Giang đầu tư đã minh chứng: trong quá trình sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, cập nhật thông tin đang trở thành nhu cầu của chính người nông dân. Hoan hô HND An Giang đã khởi xướng và mở màn cho nhu cầu này.

KHUYNH DIỆP

Tin cùng chuyên mục