Cây dừa và nạn ô nhiễm môi trường ở Bến Tre

Cây dừa và nạn ô nhiễm môi trường ở Bến Tre

Có một thời ở Bến Tre, cây dừa bị đốn hàng loạt để nhường đất cho cây khác, tiếng dao chặt vào gốc dừa nghe đau nhói. Làm sao không đau nếu xứ dừa không còn dừa?! Rồi cây dừa phục hồi. Các sản phẩm của dừa lên ngôi. Bến Tre vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng dừa. Ai cũng mừng! Nhưng chính lúc này đây, không ít người dân lại “la trời” về chuyện sản xuất than gáo dừa, chỉ xơ dừa gây ô nhiễm môi trường...

Dừa - cây trồng chủ lực của Bến Tre!

Mỗi năm đất Bến Tre làm ra trên 25 triệu trái dừa. Trong khi các loại cây ăn trái khác giá cả “nước lớn nước ròng” thì suốt 5 năm qua giá dừa trái vẫn ung dung ở mức 15.000 – 20.000đ/chục (dừa tươi), 22.000 – 25.000đ/chục dừa già. Không phải dừa nào cũng là... dừa! Ngoài chuyện giống còn chuyện đất trồng nữa. Dừa đất ngọt giá cao hơn dừa đất nhiễm mặn, phèn. Chú Lê Văn Lực – một “lái dừa” thâm niên của Bến Tre, giải thích: “Là vì khi đưa vào chế biến, các sản phẩm từ cây dừa đất ngọt đã chứng tỏ phẩm cấp vượt trội: cơm dừa ép được nhiều nước cốt có độ béo cao; dầu dừa màu vàng trong; cơm dừa sấy trắng xốp”. Anh Trần Thanh ở Cồn Phụng khẳng định: “Các cơ sở làm hàng mỹ nghệ uy tín đều lùng mua những cây dừa đất ngọt trên 25 năm tuổi (năng suất kém, được đốn hạ để trồng dừa mới hay thay thế cây trồng khác). Sản phẩm làm từ thân cây dừa lão đất ngọt màu sắc bóng láng tự nhiên, gỗ bền tốt, vân đẹp. Thân dừa vùng đất mặn, phèn cho gỗ nâu xỉn, chỉ làm cầu dừa, vách nhà hoặc những sản phẩm rẻ tiền như đũa ăn và đũa cũng thâm màu, độ bền thua hẳn đũa tre”.

Lò than gáo dừa của Lê Minh Vũ. Ảnh: N.T.K.

Lò than gáo dừa của Lê Minh Vũ. Ảnh: N.T.K.

Cây dừa là biểu tượng văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của quê hương Đồng Khởi. Cây dừa được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của Bến Tre. Nó đã và đang góp phần nuôi sống hàng vạn nông dân và lao động nghèo. Toàn bộ cây dừa (thân, lá, trái...) đều hữu dụng. Người trồng dừa yên tâm vì thị trường tiêu thụ ổn định.

Các tàu hàng lớn neo trên sông Tiền thu gom dừa trái đi Trung Quốc; các cơ sở chế biến cơm dừa sấy, kẹo dừa, dầu dừa, thạch dừa... quanh năm cần nguyên liệu. Nhưng thu mua dừa trái với số lượng rất lớn, luôn khát nguyên liệu là các cơ sở làm chỉ xơ dừa, than gáo dừa: Vốn ít thì thu mua vỏ trái, gáo dừa; khá vốn một chút thì mua dừa trái về tách vỏ đánh chỉ, lấy gáo đốt than thiêu kết, lấy cơm dừa bán cho nhà máy hoặc các cơ sở chế biến cơm dừa sấy, dầu dừa thủ công. Tất cả những cơ sở này đều đặt dọc theo bờ sông. Đây là đầu dây mối nhợ gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng khiến dân phải “la trời”.

Công nghệ “ba tiện”!

Đó là “tiện vận chuyển, tiện đổ chất thải, tiện phun khói bụi!”.

Trên sông Giồng Trôm, sông Thom của Bến Tre tấp nập ghe tàu chở dừa nguyên liệu và chỉ xơ dừa. Hàng núi mụn dừa lừng lững chạy dọc bến sông làm nước sông đổi màu. Hàng trăm ống khói hừng hực phun khói đen kịn. “Thuận gió” thì gió thổi khói ra... sông; “nghịch gió” thì gió phà khói vào các xóm thôn. Khói than gáo dừa thiêu kết có dầu nên với ống khói cao 10m bụi khói cũng không bay được xa mà lơ lửng như rong chơi ngắm cảnh giây lát trên không trung rồi ụp xuống nhà cửa, vườn tược.

Nhiều ống khói thấp lè tè 2m, có lò “miễn” ống khói luôn. Trong tầm phủ... khói, người dân suốt một thời gian dài phải hít bao nhiêu khói bụi? Tác hại của khói bụi này đối với sức khỏe con người? Nguồn nước bị ảnh hưởng bởi mụn dừa (thải ra trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa) và bụi than là “không sao”, “nguy cơ cao”, hay “cực kỳ nguy hiểm”? Chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào được khảo sát để có lời giải đáp. Nhưng nhìn bằng mắt thường, thấy bụi khói đen ngày đêm tung mịt mù và nước sông vàng ố có mùi hôi khó chịu, cũng thấy lo lắng của người dân là có cơ sở.

Đơn khiếu nại của người dân đã liên tiếp gởi về các sở ngành chức năng của tỉnh Bến Tre và chuyển tới Báo SGGP – gần đây nhất là đơn khiếu nại của các hộ dân tổ 14, 15 ấp 2 Hòa Bình, xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm). Ông Nguyễn Khắc Dinh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Bến Tre xác nhận:

– Tình trạng đốt than gáo dừa, xử lý khói thải không đúng hướng dẫn của ngành chức năng, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, ảnh hưởng đến cây trồng và sức khỏe như nhân dân trong vùng đã phản ánh là có thật. Ngày 22 – 23-8-2006, sở đã phối hợp với Phòng TN-MT huyện Giồng Trôm đi khảo sát thực tế tại hai xã Lương Phú, Lương Hòa. Kết quả: xã Lương Hòa có 6 cơ sở với 12 lò than; xã Lương Phú có 6 cơ sở với 27 lò than. Khoảng cách từ từ lò đến nhà dân, vườn cây chỉ từ 5m đến 60m, phạm vi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh rất rộng do đa số các lò than không có ống khói hoặc ống khói chỉ cao từ 2 - 10m.

Từ kết quả khảo sát, trong công văn 797/STNMT-TNMT ngày 29-8-2006 của Sở TN-MT đã khẳng định: “...môi trường không khí trong khu vực đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân không lớn”. Và yêu cầu Phòng TN-MT Giồng Trôm làm việc với các chủ cơ sở đốt than của 2 xã, đề nghị họ: “Hạn chế khói phát sinh khi đốt than đến mức thấp nhất; áp dụng các biện pháp xử lý và nâng cao ống khói, đảm bảo khí thải phát sinh không ảnh hưởng đến vườn cây và sức khỏe của người dân trong khu vực; giảm số lượng lò than khi hoạt động; đối với những cơ sở có điều kiện kinh tế ổn định, nên khuyến khích cơ sở giảm số lượng hoặc ngưng hoạt động đốt than chuyển sang loại hình kinh tế khác...”. 7 tháng sau chuyến khảo sát và công văn 797/STNMT-TNMT tình hình ra sao? Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng TN-MT huyện Giồng Trôm xác nhận: “Hiện nay Giồng Trôm có 60 lò than thiêu kết. Tất cả vẫn vi phạm về khoảng cách an toàn và chiều cao ống khói. Dân khiếu nại hoài!”.

Giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường - Nhiệm vụ cấp bách!

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm) cho biết trong một số cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần nêu bức xúc về việc phải chung sống với khói bụi và nguồn nước ô nhiễm. Ông nói: “Dân nói nghe nhức đầu lắm. Mình tiếp thu rồi kính chuyển về phòng TN-MT huyện chớ làm gì được? Xã có cấp giấy phép hoạt động đâu mà xã có quyền đình chỉ”. Câu hỏi “Có nên kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài, đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không khắc phục không?”. Câu trả lời của cả Sở TN-MT, Phòng TN-MT Giồng Trôm, UBND xã Lương Hòa là: “nên, nhưng mà...”. Thì ra việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường không đơn giản là “đình chỉ tức khắc” các cơ sở vi phạm kéo dài. Việc yêu cầu, đề nghị, kính chuyển... để rồi tất cả vẫn vi phạm có nỗi khổ của nó.

Về giải pháp khoa học: Chưa có giải pháp rẻ tiền, dễ ứng dụng để loại bỏ bụi dầu trong khói (thứ bụi đen, nặng, không tan loãng trong không khí mà rơi xuống nhà cửa, vườn tược, ảnh hưởng sức khỏe con người). Phương pháp “đốt thứ cấp” từng triển khai nhưng chi phí cao, kéo dài thời gian thiêu kết, ít chủ lò ứng dụng. Giải pháp cho mụn dừa cũng “bí”. Hàng trăm ngàn tấn mụn dừa thải ra trong quá trình chế biến chỉ xơ dừa vẫn chưa biết phải “xử” ra sao với nó.

Về giải pháp đưa các cơ sở làm than gáo dừa vào khu công nghiệp (KCN) huyện hay nâng độ cao ống khói đều không đắc sách: Trong KCN có nhiều đơn vị, chẳng đơn vị nào chịu đứng cạnh “thằng phun khói phà phà”; nâng độ cao ống khói có tác dụng đẩy bụi khói đen đi xa hơn, loãng ra, giảm tác hại nhưng chưa giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm không khí.

Nếu đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất than gáo dừa, làm chỉ xơ dừa gây ô nhiễm môi trường thì ít nhất 90% cơ sở cùng chung số phận. Hầu hết họ là người nghèo, đúng như anh Lê Minh Vũ – làm than gáo dừa ở Lương Hòa nói: “làm ăn với mối cung cấp nguyên liệu, mối thu mua thành phẩm theo kiểu nợ gối đầu, ngưng là bể nợ”. Họ không có vốn chuyển đổi sản xuất. Nguồn vốn ấy, huyện không lấy đâu ra để hỗ trợ? Điều quan trọng hơn: Số phận cây dừa và người trồng dừa! Người trồng dừa sẽ lao đao và tiếng dao đốn dừa sẽ trở lại nếu hàng loạt cơ sở chế biến bị đình chỉ. Nhưng sức khỏe của người dân trong vùng bị ô nhiễm môi trường không thể xem thường. Qua lắng nghe ý kiến của một số nhà chuyên môn về môi trường và người dân, xin góp một vài ý kiến nhỏ về những biện pháp trước mắt cũng như lâu dài (ưu tiên giải quyết ô nhiễm khói bụi than):

– Tổng kiểm tra các cơ sở đốt than gáo dừa toàn tỉnh, đình chỉ hoạt động các lò than gáo dừa nằm quá gần khu dân cư, vườn tược.

– Hướng dẫn chủ cơ sở làm ống khói có cao độ hợp lý và ứng dụng phương pháp đốt thứ cấp. Làm được như trên sẽ giảm đáng kể việc thải khói bụi vào không khí trong khi chờ đợi có công nghệ xử lý khói bụi tốt hơn. Sau một thời gian quy định, nếu cơ sở nào không chấp hành sẽ kiên quyết xử phạt và buộc đình chỉ hoạt động.

– Có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho những cơ sở có nhu cầu đầu tư nâng cấp lò đốt than hoặc chuyển nghề.

– Tỉnh khẩn trương đầu tư cho công trình nghiên cứu khoa học, đề tài xử lý khói thải lò than gáo dừa thiêu kết và công nghệ tái chế mụn dừa v.v... Đây là việc làm cấp bách, có ấn định thời gian cho kết quả nghiên cứu, chứ không thả nổi vô hạn định.

Dừa là cây trồng chủ lực, hơn nữa là “cây tình cảm” của Bến Tre. Để giữ “dáng đứng cây dừa” là nỗ lực của mọi người Bến Tre, của các cấp các ngành có liên quan chứ một ngành tài nguyên và môi trường thì bất khả thi! 

NGUYỄN THỊ KỲ

Tin cùng chuyên mục