Hoa kiểng trong vườn sắc đỏ, sắc vàng rực rỡ trong nắng, cây hạnh thì vẫn thế, cành lá trái non vẫn một màu xanh um, nhưng cứ chễm chệ đứng ở vị trí đẹp nhất trong sân nhà, bởi cây hạnh sai trái thì tựu nghĩa cho một năm sum vầy, hạnh phúc.
Hạnh, tắc hay quất, mỗi miền một cách gọi khác nhau, nhưng vẫn là một cây họ hàng với cây chanh, trái nhỏ và vỏ mỏng hơn, nhưng mùi thơm thì thanh mát, dễ chịu. Trong đám hoa kiểng dành cho ngày tết, trái hạnh có vẻ là một trường hợp đặc biệt, bởi ngày thường quen ở trong bếp nhiều hơn là trưng bày ở hội kiểng, hội hoa… Cũng không phải là giống cây mà dân chơi kiểng săn tìm, để uốn dáng, tạo hình độc lạ như bonsai, trái hạnh vốn là mối quen với các mẹ, các dì, các chị. Bàn tay nữ công gia chánh, vén khéo chuyện bếp núc trong nhà thì món ăn làm từ trái hạnh nhiều vô kể.
Mấy món đồ chua hay làm gỏi, má thường nói thích lấy nước trái hạnh để trộn vì độ chua thanh hơn, không chua lè như chanh. Pha mấy món nước chấm chua ngọt để ăn bánh xèo, bánh ít trần hay chấm cá chiên cũng cần trái hạnh vắt lấy nước. Trời trưa nắng như đổ lửa trên đầu, ly nước trái hạnh mát lạnh, chua ngọt cũng làm người ta dịu lại mỗi bận đi ruộng về. Ai khéo tay chút nữa thì sên hạnh làm mứt tết, miếng mứt chua ngọt với dư vị đăng đắng ở lớp vỏ, ăn vui miệng, với người bị ho thì cũng như vị thuốc dân gian hữu hiệu.
Quanh năm suốt tháng, trái hạnh như trái gia vị, ít nhiều gì nhà nào cũng có vài trái thủ sẵn trong bếp để khi cần thì có mà dùng liền. Nhà vườn đất rộng, thường trồng sẵn một cây hạnh, gần như có trái quanh năm, cần xài lúc nào ra lặt vài trái là xong, muốn pha ly nước uống mát giọng thì có sẵn cây nhà lá vườn, thoải mái mà uống… Bao nhiêu công dụng đó, nên mỗi khi nhắc đến trái hạnh người ta lại chạy xuống bếp tìm, chỉ mỗi dịp tết, trái hạnh mới từ bếp tiến thẳng lên mặt tiền nhà.
Kỹ thuật nông nghiệp mới, người ta tạo hình cây hạnh làm kiểng ngày tết cũng khác với cây hạnh khẳng khiu ngoài vườn. Cây hạnh trong chậu có độ cao vừa phải, cây lớn thì cũng cao quá đầu người một chút, nhưng lá xanh mơn mởn phủ kín cành cây và trái thì căng tròn, lủng lẳng trên cành. Gắn thêm vài câu chúc tết, bao lì xì trên cây nữa, thì giá tiền triệu hay chục triệu một cây hạnh là chuyện thường trong buổi chợ hoa xuân.
Để lấy hên trong ba ngày tết, người ta thường chọn bông vạn thọ hay sống đời, nghe tên là đủ thấy hên và uy tín. Riêng cây hạnh vẫn râm ran vài lời tranh luận, người quen gọi tên là tắc, cũng ngần ngại sắm một cây chưng tết, vì tên nghe không thấy đường ra. Nhưng người quen gọi là cây hạnh thì khoái hàng đầu: hạnh của hạnh phúc; và cây hạnh làm kiểng tết luôn được tạo hình, tạo dáng với trái lúc lỉu, cành lá xum xuê nên chưng một cây trong nhà lấy hên ngày tết thì quá đúng bài.
Mùa xuân của đất trời là thời tiết, cây cỏ hoa lá, còn mùa xuân của mỗi người là bao nhiêu dư vị của một năm đã qua, là ngọt bùi của bữa cơm đầu năm, là mùi thơm của khóm vạn thọ ngoài hiên, là cây hạnh hiền hòa mà chưng tết xong thì tận dụng trái để dành làm gia vị nấu nướng, cây thì trồng thêm ngoài vườn, để mỗi lúc cần lại hái.