Cây mai dương xâm hại Vườn quốc gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đang phải đối mặt với việc cây mai dương mọc tràn lan xâm hại. Do thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất và nước tại Tràm Chim, nên trong thời gian ngắn, cây mai dương đã nhanh chóng sinh sôi, phát tán... Hạt mai dương có lớp lông để bám, có thể nổi trên mặt nước, nên dễ lan rộng trong mùa nước nổi.

Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đang phải đối mặt với việc cây mai dương mọc tràn lan xâm hại. Do thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất và nước tại Tràm Chim, nên trong thời gian ngắn, cây mai dương đã nhanh chóng sinh sôi, phát tán... Hạt mai dương có lớp lông để bám, có thể nổi trên mặt nước, nên dễ lan rộng trong mùa nước nổi.
 
Kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết: Năm 1984 - 1985 ở đây chỉ mới xuất hiện có một vài cây mai dương, vậy mà đến năm 2000 đã chiếm gần 500ha. Tới nay loài cây ngoại lai này đã xâm lấn trên 3.000ha, làm tổn hại đến đời sống của các loài cây khác, giảm đa dạng sinh học, giảm cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, thay đổi chế độ thủy văn, thành phần dinh dưỡng trong đất và làm cho các loài chim, cò, sếu... không dám đáp xuống kiếm ăn vì sợ những gai nhọn của cây mai dương cào rách da, xé thịt.

Nếu không sớm tiêu diệt loài cây độc hại này, chẳng bao lâu tại Tràm Chim sẽ biến mất hoàn toàn các loài động - thực vật quý hiếm. Đây là một thực tế đáng lo ngại mà nhiều vườn quốc gia trên thế giới đã mắc phải. Hiện tại, cây mai dương không chỉ gây hại ở Vườn quốc gia Tràm Chim mà đang là mối đe dọa đến đời sống của một số loài động - thực vật của vùng đồng bằng Nam bộ, Đông Nam bộ, Vườn quốc gia Cát Tiên...
 
Theo PGS-TS Phạm Văn Lầm, Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam, có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học. Trong đó, biện pháp sinh học đã được tiến hành ở một vài quốc gia, như thả mọt đục hạt, sâu đục thân và ngọn cây mai dương, nhưng ở nước ta chưa được thực thi.

Kỹ sư Võ Văn Chưa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông, cho biết, có thể diệt cây mai dương bằng thuốc diệt cỏ cao cấp cực mạnh như Roundup, nhưng chỉ áp dụng được cho từng cụm có cây mai dương - nếu không sẽ xâm hại tới các loại cây trồng khác.

TRẦN TRỌNG TRUNG (Đồng Tháp, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục