LTS: Việc tăng giá xăng dầu ngay sau khi giá gas tăng đã khiến dư luận lo ngại sẽ gây tác động dây chuyền lên nhiều dịch vụ, hàng hóa khác. Người tiêu dùng cảm thấy “sốc” bởi thông tin tăng giá xăng dường như đã được các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này biết trước, trục lợi.
Thông tin tăng giá xăng lần này là một bất ngờ đối với nhiều người, kể cả giới thạo tin vỉa hè. Khoan bàn chuyện giá xăng cao hay thấp, điều mà người ta bàn tán với nhiều nghi vấn là chuyện một số cửa hàng xăng dầu ở nhiều địa phương đóng cửa nghỉ bán trước đó vài ngày. Báo chí lên tiếng phê phán kiểu kinh doanh găm hàng, nhiều địa phương vào cuộc định xử lý thì... đùng một cái, chiều tối ngày 7-3, giá xăng tăng.
Găm hàng, đầu cơ, nâng giá... trước tin đồn thất thiệt, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến người tiêu dùng là chuyện đáng phê phán. Nhưng lần này găm hàng trước một tin có thiệt, người ta đặt câu hỏi: phải chăng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã biết trước thông tin tăng giá xăng? Và phải chăng việc chuẩn bị tăng giá đã bị rò rỉ thông tin ra ngoài? Ngày nay, dẫu có biết thông tin tăng giá một ngày trước đó, cũng chẳng ai dại gì xách thùng hay can nhựa để mua xăng dầu về trữ. Doanh nghiệp găm hàng, cái khó cho người tiêu dùng là không mua được xăng khi xe hết xăng, không biết nơi nào bán để đổ. Tối 8-3, VTV cũng đã đưa chuyện găm hàng lên màn ảnh nhỏ và tìm kiếm hướng xử lý. Một luật sư cho rằng, theo quy định, doanh nghiệp ngưng bán hàng “phải có lý do chính đáng”, nếu không phải bị xử lý. Nhưng cũng chính ông tự đặt câu hỏi: thế nào là có lý do chính đáng? Bận việc nhà, đám giỗ, bệnh hoạn... nên ngưng bán thì có được xem là chính đáng không? Chưa có câu trả lời!
Xử lý các doanh nghiệp găm hàng là cần thiết nhưng qua việc tăng giá lần này, các cơ quan quản lý nhà nước về giá cần xem xét lại toàn bộ các khâu điều hành, nếu có rò rỉ thông tin thì khâu nào, ai chịu trách nhiệm... để tránh làm xáo trộn đời sống người dân.
Lại Quang (Đường Đình An Tài, P7, Q8)
Quản lý chặt giá cả
Bộ Tài chính ngày 7-3 chính thức công bố giá xăng tăng hơn 2.100 đồng/lít. So với trước đây, mức tăng này không phải là cao nhất nhưng nó đã đẩy giá xăng bán lẻ đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay 22.900 đồng/lít. Thật ra, với tình hình bất ổn chính trị ở một số nước vùng Vịnh là nơi cung cấp dầu mỏ lớn của thế giới, cùng sự đầu cơ tăng giá trên thế giới thì giá xăng trong nước tăng là chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, cái cách tăng giá xăng dầu hiện nay không thật sự thuyết phục.
Còn nhớ hồi tháng 2, một quan chức của Bộ Công thương trong một cuộc họp báo đã lấp lửng chuyện tăng giá xăng dầu, và ông này cũng nói là biết một số cây xăng có “găm” hàng chờ giá lên mới đem ra bán. Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp xăng dầu nếu sự tăng giá này hợp lý và minh bạch. Tất nhiên, khi quyết định tăng giá bán đã được ban hành, người dân phải chấp hành. Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào để đối phó với những khó khăn do giá xăng tăng mang lại.
Cuộc sống của người dân hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trước cơn bão giá. Từ đầu năm đến nay, nhiều hàng hóa tiêu dùng đã tăng như thực phẩm, sữa, điện… và đặc biệt là giá gas. Nay giá xăng tăng, các mặt hàng trên tất nhiên có cớ để tăng giá. Việc tăng giá liên tục các mặt hàng này sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, việc kiềm chế lạm phát sẽ trở nên khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, phải bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu với người dân niêm yết giá bán, không để xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa”. Điều này sẽ làm giá cả thị trường ổn định, hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát và quan trọng hơn là đời sống người dân sẽ bớt khó khăn.
Lê Tùng (Q.Thủ Đức, TPHCM)