Cha hờ dạy con

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại nghiêm trọng đến thân thể và tinh thần của trẻ em khiến dư luận phẫn nộ. Hôn nhân tạm bợ, công việc thiếu ổn định và sự bất lực trong cuộc sống, thiếu kỹ năng kiềm chế bản thân, không hiểu biết và coi thường pháp luật... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi tàn độc đối với trẻ con.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại nghiêm trọng đến thân thể và tinh thần của trẻ em khiến dư luận phẫn nộ. Hôn nhân tạm bợ, công việc thiếu ổn định và sự bất lực trong cuộc sống, thiếu kỹ năng kiềm chế bản thân, không hiểu biết và coi thường pháp luật... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi tàn độc đối với trẻ con.

Hiện tượng nam nữ chung sống mà không đăng ký kết hôn, sống tạm bợ, nhất là những người đàn ông độc thân sống chung với những người phụ nữ có con sẽ dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Trẻ em chính là người hứng chịu những hậu quả từ các xung đột nói trên. Vì muốn tìm nơi nương tựa, nhiều phụ nữ phải chấp nhận những người chồng hờ. Không ít trường hợp, “bản hợp đồng” sống chung chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chấm dứt hợp đồng khi gã đàn ông hành hạ cả mẹ lẫn con.

Từ việc sống hờ, thiếu trách nhiệm, cộng thêm vào đó, công ăn việc làm thiếu ổn định, dẫn đến tâm lý của người đàn ông sinh chán nản, bất lực, rồi sa đọa vào rượu chè, cờ bạc và hậu quả là chính những đứa trẻ tội nghiệp và người phụ nữ có chồng hờ đó gánh chịu. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành dã man xuất phát từ người đàn ông thiếu công ăn việc làm và thiếu lương tâm. Nhất là khi các bé có những hành động trái ý, khiến họ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân để giải tỏa những ức chế. Phần lớn những người cha hờ thường thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật. Việc xâm hại về thể xác và tinh thần của trẻ là hành vi phải được pháp luật xử lý nghiêm khắc. Nhưng khi bị nhắc nhở hoặc bị tạm giam thì họ thường lý giải là “đang dạy con”.

Thực tế có nhiều người đàn ông là “chồng hờ” nhưng họ vẫn đối xử với phụ nữ, trẻ con đầy tình thương và trách nhiệm. Họ vẫn duy trì cuộc sống gia đình hạnh phúc đến tuổi già. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm. Dường như sự quan tâm giáo dục trẻ em chưa trở thành trách nhiệm cũng như tình thương xuất phát từ tấm lòng nên các mối quan hệ thường lỏng lẻo, lạnh nhạt. Sự vô cảm, hời hợt đối với trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành vi mất nhân tính.

Các bậc cha mẹ, thầy cô cũng như những người làm công tác xã hội trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần nhận thức và thấu hiểu đầy đủ các biểu hiện của hành vi xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó có cách tác động cho phù hợp, tránh làm tổn thương nhân cách của trẻ. Đối với những trường hợp trẻ em bị đánh đập gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần, cơ quan công an địa phương cần điều tra, làm rõ về hành vi cố ý gây thương tích.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN, Giảng viên tâm lý học ĐH Nguyễn Huệ

Tin cùng chuyên mục