Chậm cổ phần hóa vì sợ trách nhiệm

Nhiều năm qua, việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cũng như công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt chỉ tiêu đề ra. Mặc dù Chính phủ liên tục tháo gỡ, thậm chí còn “đe” sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm tiến độ cổ phần hóa; thế nhưng, các cấp vẫn cho rằng vướng các quy định đất đai nên không dám thực hiện vì… sợ trách nhiệm! Đó là lý do qua gần 2/3 thời gian nhưng chỉ thực hiện được hơn 1/4 kế hoạch.
Lalima đã thoái vốn tại nhiều công ty con, công ty liên kết từ đầu năm 2019. Ảnh: CAO THĂNG
Lalima đã thoái vốn tại nhiều công ty con, công ty liên kết từ đầu năm 2019. Ảnh: CAO THĂNG

Chậm

Báo cáo lại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết các bộ, địa phương chỉ mới phê duyệt phương án cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng giá trị doanh nghiệp là 680 tỷ đồng (giá trị vốn nhà nước là 615 tỷ đồng). Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hóa năm 2019 của cả nước phải đạt 18 doanh nghiệp, cộng với khoảng 40 doanh nghiệp chậm cổ phần hóa của giai đoạn trước chuyển sang. Điều đó cho thấy hoạt động cổ phần hóa quá chậm so với tiến độ đề ra. Nếu tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước cũng chỉ cổ phần hóa được 162 doanh nghiệp (gồm 35 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm, giai đoạn 2017-2020, đạt khoảng 27% kế hoạch) với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động lên sàn giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng chậm trễ. Hiện cả nước có gần 800 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa lên sàn và 6 tháng qua, cũng chỉ có 5 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp cổ phần hóa thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thu về hơn 560 tỷ đồng. 

Công tác thoái vốn ngoài ngành cũng đạt không cao, 6 tháng đầu năm chỉ mới thoái vốn tại 30 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 2.770 tỷ đồng, thu về 4.940 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách). Riêng việc thực hiện Quyết định 1232/QĐ-TTg từ năm 2016, luỹ kế thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị đạt chưa đầy 22% kế hoạch, với giá trị sổ sách 4.800 tỷ đồng, thu về 9.115 tỷ đồng. Tính chung, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng được 5.500 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu này đạt hơn 218.255 tỷ đồng. 

Đánh giá về công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong 6 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Về chất có thay đổi, nhưng về lượng vẫn rất chậm. Việc chuyển giao quyền sở hữu nhà nước sang Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà  nước (SCIC) và hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán sau IPO cũng ít”.

Sợ trách nhiệm

Nguyên nhân của việc chậm trễ, một số bộ ngành, địa phương cho rằng họ gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Cụ thể, các quy định mới ban hành quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn; việc kiểm toán các doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình cổ phần hóa kéo dài thêm một năm. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân chính vẫn là con người. Các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vì sợ trách nhiệm nên đùn đẩy, gởi công văn xin ý kiến các nơi, dẫn đến triển khai cổ phần hóa chậm. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ ngành những tháng cuối năm phải hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới cổ phần hóa, thoái vốn; tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn một cách rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện. Trong đó, Bộ TN-MT khẩn trương rà soát các quy định liên quan đến việc phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP theo đúng quy định. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt các chức năng chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc theo quy định; tiến độ triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục