Nhưng kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho thấy, dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019 nhưng phần lớn văn bản hướng dẫn thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới này đều chậm; có văn bản đến nay vẫn chưa được ban hành. Thậm chí, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), còn khẳng định, với CPTPP, 100% số văn bản ban hành chậm.
Quả thực, trừ các vấn đề về lao động, so với yêu cầu của các cam kết liên quan thì tất cả văn bản quy phạm pháp luật mà Việt Nam đã ban hành trong năm 2019 để hướng dẫn thực thi CPTPP đều chậm hơn so với kế hoạch.
Tới tháng 2-2020, nếu không kể Nghị quyết 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn CPTPP ngày 12-11-2018 thì mới chỉ có 7 văn bản hướng dẫn thực thi CPTPP được ban hành. Một trường hợp khá tiêu biểu là biểu thuế xuất nhập khẩu thực hiện CPTPP phải sau 7 tháng hiệp định có hiệu lực mới được ban hành. Thông tư về C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) còn chậm hơn nữa, 11 tháng sau khi hiệp định có hiệu lực mới được ban hành. Nghị định đấu thầu thực thi CPTPP đến nay vẫn chưa được ban hành.
Đó là chỉ mới nói đến thời gian mà chưa đề cập đến chất lượng của văn bản hướng dẫn. Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhiều văn bản hướng dẫn thực thi mới chỉ dừng lại ở khâu “phiên dịch hiệp định”, chưa có hướng dẫn chi tiết cách hiểu và áp dụng của từng quy định vào tình huống thực tế, gây khó khăn trong thực thi cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Có lẽ vì thế mà tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ CPTPP của ngành dệt may Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 0,03% sau 7 tháng hiệp định có hiệu lực (?!).
Quay trở lại với EVFTA - FTA thế hệ mới lớn thứ 2 của Việt Nam sau CPTPP, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều đã “nghe nói” tới các FTA nhưng tỷ lệ các DN hiểu biết sâu về các FTA rất thấp. Rất nhiều DN chưa chủ động chuẩn bị để tận dụng cơ hội hay dự phòng rủi ro từ việc thực thi các FTA. Theo khảo sát 8.600 DN dân doanh Việt Nam (trong khuôn khổ điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI) do VCCI công bố tháng 3-2019, tỷ lệ DN có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như CPTPP).
Về phía quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là Chính phủ, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao để ban hành các văn bản pháp luật thi hành các FTA, giúp các hiệp định này được đưa vào cuộc sống một cách nhanh chóng, đảm bảo hiệu quả thực chất.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nợ đọng văn bản - không chỉ trong hướng dẫn thực hiện các FTA, vẫn là một tồn tại nhiều năm qua. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mới đây đã chủ trì buổi làm việc với 8 bộ về tình hình xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng 7 tháng đầu năm. Theo đó, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 26/54 văn bản, chiếm 48,1%, tăng 8 văn bản so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra còn có 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1-1-2021. Như vậy, từ nay đến cuối năm, các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành tới 75 văn bản và đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang khiến cho nền kinh tế “khó chồng khó”. Thực tế trên cho thấy, một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước là hỗ trợ DN và hỗ trợ để DN có thể tận dụng được những lợi ích từ EVFTA. Việc hướng dẫn đầy đủ, chi tiết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, từ đó hỗ trợ nền kinh tế vượt khó.