Như thông lệ quen thuộc, khi cách tết khoảng thời gian trên dưới một tháng rưỡi, người dân ở các làng hoa Hà Nội lại hối hả chuẩn bị hoa kiểng phục vụ tết.
Tại những làng hoa truyền thống như Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân, Phú Thượng, mọi người lao động miệt mài từ sáng sớm tới tối mịt, trong đó không ít người ăn trưa ngay tại ruộng hoa.
Bác Lê Văn Quyết, ở Tứ Liên, chủ nhân một vườn quất cảnh 300 gốc, kể: “Nghề trồng quất có lẽ vất vả nhất so với nhiều loại hoa, cây cảnh khác. Để cây có dáng đẹp, quả phân bổ đều khắp, người trồng phải buộc dây thép từng cành, từng quả, kéo chúng ra những chỗ thưa cành, ít quả, cho đẹp…”. Vì vậy, để gò thế cho một cây quất cảnh loại trung, cần 2 lao động làm việc cật lực trong nửa buổi và như vậy, với 300 gốc quất, 4 người trong gia đình bác Quyết phải làm việc liên tục hơn 1 tháng.
Ở Tứ Liên, Quảng Bá - hai nơi nổi tiếng làm quất cảnh đẹp, lâu đời - những ngày này, dường như mọi nhà đều đổ ra vườn để gò thế quất. Danh tiếng của quất Quảng Bá, Tứ Liên đã khiến thương lái, người sành chơi dưới phố tìm tới đặt mua. Bác Trần Quân, ở Quảng Bá cho biết, mặc dù còn tới hơn tháng nữa mới tới tết nhưng đã có nhiều khách lên vườn chọn cây. Họ đặt tiền cho các cây ưng ý, dù quả mới chỉ bắt đầu ngả vàng đôi chút.
Nhật Tân - làng hoa đào có bề dày lịch sử 500 năm có lẻ. Dẫu diện tích bạt ngàn của cánh đồng hoa đã nhường chỗ cho quy hoạch đô thị, nhưng nông dân vẫn rất hăng say chăm sóc những cây đào ít ỏi còn lại trong vườn nhà hay trên vạt đất bồi ven sông Hồng.
Bây giờ, cây đào bắt đầu đến độ tuốt lá và người nông dân đang bón thúc để cho cây có lực nuôi hoa vào độ tết. Sắc hoa đào Nhật Tân từ mấy tết qua còn rất ít và không đáng kể, nay đã có thêm nhiều làng hoa mới ở Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Hoài Đức, Mê Linh… tham gia thị trường tết. Nhưng dẫu có đủ đào cắm chơi tết đi nữa, người Hà Nội vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó của sắc đào Nhật Tân, vốn đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm…
Ngược cầu Thăng Long, qua sông Hồng sang huyện Đông Anh và đi nữa đến huyện mới Mê Linh - hai địa danh được coi là vành đai cung ứng hoa tươi chủ lực cho Hà Nội. Nông dân trồng hoa ngoài việc uốn tỉa cây cảnh, chăm bón đào, hoa hồng, lay ơn…, còn đang chuẩn bị trồng các giống hoa lá ngắn ngày cho hương sắc ngày tết như: thược dược, violet, lá măng, susi…
Chị Lê Thu Thủy, ở làng hoa mới Tiên Dương cho biết: “Ở làng hoa này, hầu như mọi nhà đều trồng hoa hồng nhưng khi gần tết đều dành một khoảng nhỏ để trồng hoa ngắn ngày. Những loại hoa này trồng không tốn nhiều công, cái khó là tính thời gian sao cho ra hoa đẹp đúng dịp tết…”. Ở các làng hoa khác của Đông Anh như Nam Hồng - Bắc Hồng, Vân Trì, Kim Chung, nông dân cũng đang hết mình chăm chút cho cây hoa, cây cảnh để chờ thu hoạch vào dịp tết.
Qua làng hoa hồng Mê Linh, không khí lao động khẩn trương chẳng kém mùa gặt. Nhiều nhà vườn đã mua giống mới của nước ngoài để trồng thử nghiệm. Ngoài hoa hồng, rất nhiều hộ dân ở đây đã trồng được hoa lys với diện tích lên tới hàng chục ngàn mét vuông. Hy vọng tết này thị trường hoa lys tại Hà Nội sẽ ít sốt giá hơn vì có thêm nguồn hàng từ Mê Linh… Xa hơn, tại “vựa” hoa đào mới của Hà Nội ở huyện Thường Tín, nông dân các xã trồng hoa cũng đồng loạt ra đồng tuốt lá, tưới bón cho cây đào.
TUẤN ANH