Chăm sóc cây xanh mùa mưa bão

Những năm gần đây, trong mùa mưa bão, tại TPHCM đã xảy ra nhiều vụ cây xanh gãy đổ, gây hiểm họa cho người đi đường. Để thông tin tới bạn đọc về việc chăm sóc cây xanh khi vào mùa mưa bão, phóng viên Báo SGGP đã gặp ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM trao đổi về vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa ông, việc cắt tỉa, chăm sóc cây xanh trên đường phố TPHCM đã được thực hiện như thế nào khi vào mùa mưa bão năm nay?

* Ông NGUYỄN KHẮC DŨNG: Sở Giao thông Vận tải phân cấp quản lý cây xanh theo địa bàn 4 khu quản lý giao thông đô thị (cho đồng bộ với các lĩnh vực khác như quản lý đường bộ, chiếu sáng, cấp thoát nước). Hàng năm, các đơn vị được phân cấp quản lý sẽ ký hợp đồng với đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để đặt hàng chăm sóc, bảo quản cây xanh theo các quy định hiện hành (do việc chăm sóc cây xanh trên đường phố đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn cao, có trang thiết bị chuyên ngành, nên hiện nay thường ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh). Hàng năm, các đơn vị được giao quản lý cây xanh thực hiện các công tác thường xuyên: cắt tỉa nhằm loại bỏ cành chết, cắt mé cành nhánh nặng tàn hay vươn dài có nguy cơ gãy tét, cắt tỉa thông thoáng tán lá, hạ thấp chiều cao cây. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện cây có nguy cơ không đảm bảo an toàn để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Các công tác này được thực hiện trong cả năm, được tập trung, tăng cường hơn vào thời điểm trước và trong mùa mưa bão.

Với những trường hợp người đi đường không may bị cây gãy đổ làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, hư hỏng tài sản, phương tiện tham gia giao thông, thì đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm gì?

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, khi có mưa và khi có lốc người dân nên tránh đứng, dừng đậu xe dưới cây, hạn chế tham gia giao thông trên đường, nên nhanh chóng tìm nơi trú an toàn. Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2005 có nêu rõ: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Thực tế trong thời gian qua, các trường hợp sự cố cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người và tài sản do sự kiện bất khả kháng đều đã được đơn vị duy tu, chăm sóc trực tiếp là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh hỗ trợ cho người bị thiệt hại theo thỏa thuận bằng chi phí hoạt động của đơn vị. Năm nay, TPHCM có chấp thuận bổ sung 1 tỷ đồng/năm vào nguồn vốn duy tu, chăm sóc công viên cây xanh để hỗ trợ cho các trường hợp thiệt hại bất khả kháng gây ra từ cây xanh gãy đổ.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục