Thế nhưng, Bộ Tài chính lại cho rằng, nguyên nhân cổ phần hóa DNNN chậm là do chính sách quản lý đất đai kém! Thực tế hiện nay, hiệu quả kinh doanh của DNNN kém và công tác cổ phần hóa, thoái vốn lại chậm khiến vấn đề trở nên “nóng” hơn...
Lại chậm…
Hoạt động cổ phần hóa và thoái phần vốn nhà nước đã đầu tư ngoài ngành ở các doanh nghiệp, những năm qua thực hiện rất chậm. Trong giai đoạn 2011-2016, tổng giá trị vốn nhà nước tại các DNNN là 214.000 tỷ đồng, nhưng khi cổ phần hóa chỉ bán được 43.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn nhà nước được bán chỉ chiếm 3% tổng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu tính cả việc thoái vốn được 14.600 tỷ đồng, thì ở giai đoạn này, cả thoái vốn và cổ phần hóa chỉ bán được khoảng 4,1% vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đến hết năm 2017, tỷ lệ vốn nhà nước thực bán cả hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn có tăng lên, nhưng cũng chiếm khoảng 7,5% tính theo tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016. Còn hoạt động thoái vốn, qua 11 năm triển khai, đến hết quý 3-2017, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 975 doanh nghiệp, thu về gần 27.500 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, sau quá trình cơ cấu lại, cả nước còn khoảng 580 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nhìn chung, hoạt động cổ phần hóa DNNN triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chậm là do việc định giá giá trị đất, lợi thế vị trí đất đai không có luật rõ ràng; việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cũng chậm. Đến nay, mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành quy định tháo gỡ (có hiệu lực từ đầu năm 2018) nhưng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn những tháng đầu năm 2018 vẫn còn chậm, chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện. Cụ thể là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa ở địa phương làm rất chậm. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Lãi ít, vi phạm nhiều
Trong khi hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn chậm thì hoạt động đầu tư kém hiệu quả càng trở nên bức xúc hơn. Hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đã dàn trải, mà hiệu quả lại chưa cao. Lũy kế tính đến cuối năm 2016, các DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, nhưng đến 1/4 số dự án báo lỗ hoặc lỗ lũy kế và gần 1/2 số dự án không có báo cáo về doanh thu, lợi nhuận. Lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam năm 2016 chỉ 145 triệu USD, tương đương khoảng 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết cũng không cao, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp cũng không cao. Việc cơ cấu lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với hoạt động kinh doanh của DNNN trong ngành nghề chính cũng phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đất đai, tài chính. Hầu như doanh nghiệp nào qua thanh tra, kiểm toán cũng đều phát hiện sai phạm. Một số DNNN thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện; đầu tư ngoài ngành, thiếu hiệu quả. Không ít dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, có nguy cơ bị mất vốn. Một số dự án đầu tư xây dựng hồ sơ, thủ tục không đầy đủ, nghiệm thu, thanh toán không đúng quy định, quyết toán chậm…, có dự án chậm tiến độ, phải dừng thực hiện, gây lãng phí vốn.
Đặc biệt, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... đang diễn ra ở các doanh nghiệp định giá tài sản khi cổ phần hóa. Hoạt động đấu thầu hình thức, cấu kết trục lợi không được kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời đã gây thất thoát tài sản nhà nước. Nhiều DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ nên việc sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất cho ngân sách nhà nước. Có tình trạng DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất. Ngoài ra còn có những bất cập, thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, để tránh thất thoát tài sản nhà nước sau cổ phần hóa, đề nghị chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất. Chính quyền địa phương phải quy hoạch xây dựng, khi doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho Nhà nước với giá trị cao nhất. Thế nhưng, thời gian qua các địa phương lơ là, không làm rõ trách nhiệm, thiếu minh bạch, đã gây thất thoát đất đai. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị siết chặt hơn việc quản lý đất đai, đặc biệt là kiểm định việc chuyển đổi mục đích.