Chế tài xử phạt nghiêm để răn đe
Lâu nay đã có nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng bị chủ sử dụng lao động hay các đơn vị thi công “ém nhẹm”, che giấu, không khai báo với cơ quan chức năng, thậm chí không đưa nạn nhân đi cấp cứu. Họ cố ý che giấu TNLĐ để không bị điều tra, truy cứu về trách nhiệm không thực hiện các biện pháp an toàn lao động, và không bị xử lý theo quy định pháp luật lao động; không bị tạm đình chỉ thi công phục vụ công tác điều tra TNLĐ; đỡ tốn kém chi phí và thời gian công sức; đồng thời tránh né việc làm các thủ tục hành chính về TNLĐ, thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị TNLĐ. Khi xảy ra TNLĐ chết người, chủ sử dụng lao động và nhà thầu thi công thường chủ động liên lạc với gia đình nạn nhân để thỏa thuận mức bồi thường, nên có rất ít vụ TNLĐ chết người mà thân nhân gia đình nạn nhân lên tiếng hoặc tố cáo để yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm.
Ảnh: VÂN KHANH
NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)
Kiểm tra việc thực thi các biện pháp an toàn lao động
Khảo sát các vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người xảy ra trong thời gian gần đây, có thể thấy nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến là do doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp về an toàn lao động trong khi tiến hành thi công, cải tạo và làm mới nhà xưởng, công trình. Ngoài ra, công tác tổ chức phổ biến, huấn luyện, tuyên truyền về an toàn lao động trong thi công đối với công nhân, người lao động chỉ được doanh nghiệp thực hiện chiếu lệ, có doanh nghiệp nhiều năm liền không tiến hành huấn luyện do ngại tốn kém, mất thời gian. Do đó, công nhân, người lao động thiếu hiểu biết hoặc hoàn toàn không nhận diện được các nguy cơ có thể xảy ra, nên TNLĐ là điều khó tránh khỏi.
Một số doanh nghiệp bố trí người làm công tác an toàn lao động chưa phù hợp với quy định của pháp luật, mạng lưới, đội ngũ an toàn vệ sinh viên trong một số doanh nghiệp hoạt động còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, thậm chí là yếu kém, chỉ mang tính chất đối phó. Công tác an toàn lao động là công việc, là ngành nghề cần người có nhiều kinh nghiệm và kinh qua thực tế mới có thể quan sát, xử trí, xử lý tình huống, sự cố một cách nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả.
Thực tế cho thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn lao động. Cụ thể là cần sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về việc người phụ trách công tác an toàn lao động trong doanh nghiệp (chuyên trách hay bán chuyên trách) phải là người tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ, chứng nhận hành nghề công tác an toàn lao động, có kinh nghiệm ít nhất từ 3 năm hoặc 5 năm làm việc, thực hiện, giám sát tại các công trình thi công xây dựng có nhiều yếu tố cũng như có nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Cần có chế tài cấm làm công tác an toàn lao động trong một thời gian nhất định đối với người làm công tác an toàn lao động, nếu để xảy ra TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan.
NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN (quận 5, TPHCM)