Chặn đà suy thoái nông nghiệp

Có thể nói, ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2014 đã tạo ra “cuộc vượt thác” ngoạn mục với những con số khá ấn tượng sau giai đoạn trì trệ khi 2 năm 2012 và 2013 đều dừng lại con số phát triển GDP hàng năm ở mức 2,6%, ngay là đầu năm 2014, hầu như nhìn lĩnh vực nào cũng đầy những khó khăn.
Chặn đà suy thoái nông nghiệp

Có thể nói, ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2014 đã tạo ra “cuộc vượt thác” ngoạn mục với những con số khá ấn tượng sau giai đoạn trì trệ khi 2 năm 2012 và 2013 đều dừng lại con số phát triển GDP hàng năm ở mức 2,6%, ngay là đầu năm 2014, hầu như nhìn lĩnh vực nào cũng đầy những khó khăn.

Ngành chế biến gỗ có sự phát triển mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua.

Thành tựu khá toàn diện

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 3,3%, xuất khẩu tăng ấn tượng 11,2% đạt 30,8 tỷ USD, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD; với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, hồ tiêu ghi tên vào nhóm 10 ngành hàng 1 tỷ USD gồm tôm, gỗ chế biến, cà phê, gạo, nhân điều, cá tra, rau quả, cao su, khoai mì (sắn) và hồ tiêu. Điều ghi nhận là năm 2014 đã ngăn chặn đà suy thoái giai đoạn 2011 - 2013 như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát biểu. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp theo hướng tích cực. Tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp tăng khá tốt so với trước đây khi khâu làm đất cơ giới hóa đến 92%, khâu thu hoạch 45% (ở đồng bằng sông Cửu Long lên đến 76%), khâu sấy chủ động đạt 55%, cơ giới hóa trong chăn nuôi đạt 37%... Dù chưa như sự kỳ vọng, việc thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khâu chế biến đã có sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác khi ngày càng có nhiều người nhận ra thế mạnh của Việt Nam chính là nông nghiệp.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Xuân Cường, kết quả đạt được của ngành nông nghiệp năm 2014 khá toàn diện. Nhưng vẫn còn những hạn chế không dễ thay đổi trong thời gian ngắn như khối lượng và giá trị xuất khẩu tăng nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước khác (gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan...); chỉ mới tham gia phân khúc thấp của thị trường do vấn đề chất lượng, tổ chức sản xuất, tỷ lệ trả về của nông sản xuất khẩu cao so với cùng mặt hàng của các nước xuất khẩu khác... Ngành chế biến nông sản còn kém phát triển, giá trị gia tăng thấp, chưa có nhiều thương hiệu được thừa nhận.

Nông dân đang ở đâu?

Đó là câu hỏi do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đặt ra tại hội nghị tổng kết. Điều quan trọng là giá trị sản xuất tăng có giúp thu nhập nông dân tăng thêm không, chi phí cho sản xuất như thế nào và vị trí nông dân Việt Nam đang ở đâu? Mặc dù ngành nông nghiệp tạo ra giá trị thặng dư cao (9,5 tỷ USD), nhưng nếu xem xét sâu hơn thì giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn thấp và so với các nước càng thấy rõ khoảng chênh lệch. Với hơn 10 triệu ha đất nông nghiệp, tính ra bình quân giá trị chỉ được 3.100 USD/ha/năm (trên 62 triệu đồng), trong đó trồng trọt khoảng 82 triệu đồng/ha/năm, thủy sản 168 triệu đồng/ha/năm. Con số này so với lãnh thổ Đài Loan hơn 12.000 USD/ha/năm, Hà Lan 40.000 USD/ha/năm, nhưng có ngành hàng lên đến 2 triệu USD/ha/năm. Nếu xem thu nhập của nông dân là sự bền vững quan trọng và nhân văn nhất trong việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp thì thành tựu năm 2014 vẫn chưa thể nói là đạt khi với 47 triệu nông dân thu nhập bình quân thu nhập vào khoảng 25-26 triệu đồng/người/năm, một con số còn quá khiêm tốn so với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam trên 40 triệu đồng/người/năm và so với thành thị như TPHCM khoảng 100 triệu đồng/người/năm.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp chưa tạo được động lực cho ngành phát triển. Sự kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp với viện nghiên cứu, nhà khoa học vẫn còn hạn chế. Một số mô hình đã hiệu quả, nhưng cơ bản vẫn chưa ổn định và còn rất nhiều việc phải làm như hiệu quả sử dụng phân đạm mới chỉ có 40% - 50%, rất lãng phí, nếu khắc phục được sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm phân bón, vừa tăng năng suất lại chậm áp dụng. Hay như việc chúng ta vẫn đang nhập khẩu hơn 200 triệu USD/năm tiền giống. Năng suất lao động nông nghiệp vào loại thấp khu vực, tổn thất sau thu hoạch cao… Năng suất nhiều cây trồng, vật nuôi thấp, một số cây trồng không thay đổi nhiều năm nay như mía đường, đậu nành.

Chính sách là giải pháp quan trọng

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, trong tất cả các giải pháp thì giải pháp quan trọng cho việc phát triển là chính sách. Qua thực tế, hệ thống chính sách rất nhiều nhưng nhiều chính sách khó triển khai vì chưa phù hợp hay nhiều nông dân, doanh nghiệp chưa được tiếp cận. Như chính sách duy trì hỗ trợ diện tích lúa 500.000 đồng/ha, nhưng với đặc trưng của sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc manh mún và rất nhỏ chỉ vài sào Bắc bộ, không đủ cho chi phí đi lại để được hỗ trợ. Cần khảo sát chính sách, cái gì tác dụng hay chưa tác dụng để có giải pháp phù hợp. Có địa phương chưa chủ động triển khai chính sách. Năm 2013 đã có Luật HTX sửa đổi nhưng vẫn chưa có Nghị định về HTX nên việc triển khai còn gặp khó khăn. Ngay cả đầu tư vào nông nghiệp còn ít, với đóng góp 20% GDP vào nền kinh tế của ngành nông nghiệp, gần 10 tỷ USD thặng dư.

Với hơn 70 triệu mảnh ruộng, không thể sản xuất theo đơn đặt hàng lớn khi hội nhập ngày càng sâu và rộng, không thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật để có được những sản phẩm phù hợp với yêu cầu từng thị trường. Nông dân chỉ biết sản xuất, vì vậy phải có doanh nghiệp đủ tầm cỡ để tìm kiếm thị trường và đặt hàng làm việc này. Vì vậy, theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Xuân Cường, hiệu quả sản xuất và năng suất lao động không thể cao nếu không có doanh nghiệp vào cuộc để cùng liên kết với HTX tạo ra hàng hóa lớn. Liên kết doanh nghiệp với HTX và ứng dụng KHCN cũng như hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến sẽ giúp thay đổi sâu sắc hơn ngành nông nghiệp.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục