Arkady Gaydamak

Chân dung một tay trùm quốc tế buôn lậu vũ khí

Con người này có tới 4 hộ chiếu khác nhau, hai cái tên và… vô số tiền bạc. Người được coi là nhân vật chính của vụ bê bối “Angolagate” đã bị phía Pháp ban hành lệnh truy nã, còn Interpol đang truy lùng trên khắp thế giới. Nhưng ông ta dường như không chú ý lắm đến chuyện lẩn trốn, mà lại xuất hiện ở khắp nơi, là thành viên của rất nhiều hiệp hội của giới thượng lưu thế giới. Mới đây, ông ta còn ra lãnh đạo Hội các cộng đồng và tổ chức tôn giáo Do Thái tại Nga (KEOOP). Đó chính là Arkady Gaydamak – một ông trùm buôn bán vũ khí nổi tiếng tại châu Phi…
Chân dung một tay trùm quốc tế buôn lậu vũ khí

Con người này có tới 4 hộ chiếu khác nhau, hai cái tên và… vô số tiền bạc. Người được coi là nhân vật chính của vụ bê bối “Angolagate” đã bị phía Pháp ban hành lệnh truy nã, còn Interpol đang truy lùng trên khắp thế giới. Nhưng ông ta dường như không chú ý lắm đến chuyện lẩn trốn, mà lại xuất hiện ở khắp nơi, là thành viên của rất nhiều hiệp hội của giới thượng lưu thế giới. Mới đây, ông ta còn ra lãnh đạo Hội các cộng đồng và tổ chức tôn giáo Do Thái tại Nga (KEOOP). Đó chính là Arkady Gaydamak – một ông trùm buôn bán vũ khí nổi tiếng tại châu Phi…

Chân dung một tay trùm quốc tế buôn lậu vũ khí ảnh 1

Arkady Gaydamak

Arkady Gaydamak rời bỏ Liên Xô cũ (nơi sinh ra và lớn lên) ngay từ những năm 1970. Ông ta định cư tại Pháp trong một thời gian khá lâu, trong khi lại mang quốc tịch của Israel. Khi các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu diễn ra tại Nga, Gaydamak là một trong số ít người hiểu rằng, tại đây đang mở ra không ít cơ hội để làm giàu. Ông ta là một trong những người đầu tiên đầu tư mở một Xí nghiệp Liên doanh CP-Moskva tại đây.Gaydamak đi lên ban đầu từ những thương vụ nhỏ.

Những hợp đồng đầu tiên của ông ta là cung cấp thực phẩm cho một công ty nhỏ chưa có tiếng tăm của Nga – khi đó có cái tên là “Menatep”. Việc tình cờ làm quen với những ông chủ lớn trong tương lai tại đây như Mikhail Khodorkovski, Platon Lebedev và Mikhail Brudno dường như đã giúp rất nhiều cho tương lai sau này của Gaydamak. Và bước ngoặt thực sự đã đến với ông ta vào năm 1993, sau khi giành được những hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Nga với đối tác là Ngân hàng “Menatep”.

Vào thời điểm đó, các nhà cải cách trong Chính phủ Nga, thay vì độc quyền trong việc xuất khẩu hàng quân sự, lại rất vui lòng trao nó vào tay cho các ông chủ nước ngoài. Gaydamak đã rất sốt sắng lao vào lĩnh vực béo bở này. Tính ra, giá trị các thương vụ hợp tác giữa Gaydamak với “Menatep” đã lên tới cả tỷ rưỡi đô-la Mỹ. Bạn hàng chủ yếu của họ là các quốc gia châu Phi như Angola, Tanzania và Uganda – nơi đang rất cần các loại xe tải, trực thăng và vũ khí của Nga. Đáng chú ý là một phần trong số này được chi trả bằng các khoản tiền viện trợ xã hội từ Liên hợp quốc.

Gaydamak nhanh chóng thu được cảm tình của nhiều nguyên thủ tại châu Phi. Đích thân Tổng thống Angola là Jose Eduard dos Santos đã tiếp đón và đề cử ông ta làm cố vấn của mình. Thực tế này không có gì là khó hiểu: Hội đồng Bảo an khi đó đã áp đặt lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Angola, một quốc gia từ nhiều năm đã diễn ra nội chiến ác liệt giữa chính phủ và phe đối lập. Do vụ việc bán vũ khí trái phép trên có sự dính líu của Jean-Christophe Mitterrand (con trai cố Tổng thống Mitterrand), nên phía Pháp đã cố tình làm ngơ đi vụ này. Trong khi với sự trợ giúp của Tổng thống Dos Santos, Gaydamak còn tiếp cận được với một dự án khổng lồ liên quốc gia khác: đó là điều hành các khoản tín dụng của Angola.

Ngay từ thời Liên Xô, Angola đã nợ Moskva khoảng 5 tỷ USD, và tất nhiên là nước này không đủ khả năng trả hết số tiền này. Mùa thu năm 1996, hai nước (Nga và Angola) đã ký kết một thỏa thuận, theo đó sẽ giảm khoản nợ xuống 70%. Trong vòng 20 năm, Angola cam kết trả hết 1,5 tỷ USD thay vì 5 tỷ như trước đây. Theo các điều tra từ phía Pháp và Thụy Sĩ, trong số tổng cộng 773 triệu USD mà Chính phủ Angola đã trả được, Moskva chỉ nhận được có 161 triệu USD (tức là chỉ khoảng 1/5). Số tiền còn lại đã “bốc hơi” từ tài khoản của Công ty “Abalone” (nhà trung gian cho việc trả nợ) ở Ngân hàng UBS – Thụy Sĩ. Các ông chủ của “Abalone” trên thực tế chính là Gaydamak và một đối tác của ông ta là công dân Pháp Pierre Falcone.

Chân dung một tay trùm quốc tế buôn lậu vũ khí ảnh 2

Cuộc nội chiến tại Angola đã giúp cho Gaydamak làm giàu từ việc buôn vũ khí.

Cụ thể trong vụ trên, theo như thẩm phán Daniel Devaud của Thụy Sĩ, đã có 60 triệu USD trực tiếp rơi vào túi Gaydamak, còn khoảng 120 triệu được chuyển cho đối tác Pierre Falcone. Một phần trong số tiền này đã được chuyển tới các tài khoản riêng của họ tại chi nhánh UBS ở Bahamas.

Ngoài ra, trong “chiến dịch” này còn có sự tham gia của Giám đốc Ngân hàng “Rossiisky Kredit Bank” là Vitali Malkin cùng một số quan chức cao cấp của Angola. Tuy nhiên, Gaydamak đã kiên quyết bác bỏ tất cả những lời buộc tội nhằm vào mình trong vụ này.

Ngoài ra tại Angola, Gaydamak còn khôn ngoan đầu tư vào ngành kinh doanh kim cương, trở thành ông chủ của một loạt công ty tiêu thụ đá quý. Công ty “Ascorp” do ông ta thành lập là người bán chủ yếu các loại kim cương Angola và có sự hợp tác làm ăn rất chặt chẽ với Isabel, con gái của đương kim Tổng thống Angola.

Gaydamak có lẽ còn trở thành một doanh nhân thành đạt hơn nữa, nếu như các cơ quan hành pháp của Pháp và Thụy Sĩ không mở các cuộc điều tra nhằm vào ông ta. Tuy nhiên, Gaydamak đã nhanh chóng chạy về Israel, đổi tên họ thành Arie Barlev. Nguyên nhân không phải do Gaydamak muốn quay trở về với nguồn gốc Do Thái của mình, mà chỉ vì Israel không có truyền thống dẫn độ các công dân của mình cho nước khác. Trát bắt giữ ông ta do người Pháp ban hành liên quan đến tội rửa tiền và buôn bán vũ khí trái phép đã trở nên vô dụng, cho dù phần lớn các đối tác cũ của ông ta đã bị bắt giữ. Ngoài ra, hàng triệu đô-la của Gaydamak cũng bị phong tỏa trong các tài khoản của UBS.

Dù sao, Gaydamak cũng lại bị “sờ gáy” tại Israel, sau khi cảnh sát nước này mở một chiến dịch đặc biệt điều tra về hoạt động rửa tiền của ngân hàng “Hapoalim”, khiến 13 nhân viên nhà băng bị bắt giữ cùng hàng trăm tài khoản bị đóng băng. Arkady Gaydamak (lúc này đã được xếp vào danh sách 1 trong 5 người giàu nhất Israel) là một trong những cái tên nằm trong danh sách đen của cảnh sát Israel, buộc ông ta phải tìm một nơi ở mới là nước Nga. Dù nước Nga có luật dẫn độ tội phạm, nhưng Gaydamak lại nhận được sự giúp đỡ kịp thời của những người bạn cũ tại châu Phi. Ông ta được phong cho cái chức cố vấn đại sứ của Angola tại Moskva và được hưởng quyền miễn tố ngoại giao.

Phải nói Arkady Gaydamak là một con người có những mối quan hệ rất rộng và phức tạp, được gắn kết bởi những yếu tố chính như quyền lực và tiền bạc. Ông ta còn dính dáng đến những thương vụ mờ ám trước đây của hãng Halliburton (khi đó dưới sự điều hành của Phó Tổng thống Dick Cheney) tại Angola. Gaydamak còn có mối quan hệ rất thân cận với Danny Yatom, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo MOSSAD của Israel liên quan đến một số dự án làm ăn tại Kazakhstan và Algeria.

Với 4 hộ chiếu có trong tay (Pháp, Anh, Israel và Canada) cùng với cái tước nhân viên ngoại giao, Arkady Gaydamak đang trở thành một nhà hoạt động xã hội sáng giá tại Nga. Ngày 8-5 vừa qua, 75 đại diện của cộng đồng Do Thái tại nước này đã nhất trí bầu ông ta làm Chủ tịch của KEOOP. Dù là một nhân vật đầy tai tiếng, Gaydamak vẫn được bầu nhờ khả năng tài chính dồi dào của mình. Mới đây nhất, ông ta còn bỏ tiền ra mua một phần lớn số cổ phần của tờ báo Tin tức Moskva với hy vọng bước chân vào thị trường truyền thông đại chúng của nước này. Sau khi tài phiệt Khodorkovski phải vào tù vì tội trốn thuế, Gaydamak lại nổi lên là một ông trùm tài chính có ảnh hưởng mới tại Nga. 

NHƯ QUỲNH tổng hợp

 

Tin cùng chuyên mục