Chặn giấy phép con… hồi sinh

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, dự kiến có quy định về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo. 

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất này - vốn là điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ - là một thay đổi rất lớn, đưa ra thông điệp và tín hiệu về sự thay đổi của môi trường kinh doanh Việt Nam và ngành công thương theo hướng không tích cực, cần được cân nhắc vì sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bị loại bỏ, tạo rào cản cản trở doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa gia nhập thị trường.

Ví dụ trên chỉ là một trong số nhiều văn bản, dự thảo thông tư, nghị định có điều kiện kinh doanh khắt khe đã từng bị bãi bỏ lại đã/đang có kế hoạch… hồi sinh. Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, trăn trở, trong khi doanh nghiệp đang bộn bề khó khăn, và nhiều năm, cả nước kiên trì cắt giảm quy định bất hợp lý để doanh nghiệp có môi trường lành mạnh phát triển thì đến nay, nhiều quy định không cần thiết lại xuất hiện. Hiện tượng giấy phép con lại manh nha xuất hiện trong những văn bản dự thảo thông tư, nghị định mà các bộ đang làm gần đây. “Doanh nghiệp chết tức tưởi bởi những cài cắm thế này”, ông Cung nói. 

Tại báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 vừa công bố, VCCI cho biết, chỉ 38,9% DN không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khó khăn trong cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% số doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nhận xét, cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất. 

Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến với dự thảo tờ trình, nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với nhiệm vụ là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Trong góp ý mới đây, VCCI cho rằng, việc rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc có vướng mắc để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế tư nhân là rất cần thiết. Trong đó, VCCI đề cập thực tế về việc xuất hiện hiện tượng một số quy định dự kiến ban hành hoặc mới ban hành làm gia tăng chi phí một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, cần phải có cơ chế để kiểm soát hiệu quả hơn chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh đang soạn thảo đồng thời với hoạt động rà soát, kiến nghị các chính sách hiện hành. Chẳng hạn, đối với các quy định về điều kiện kinh doanh, trong quá trình xây dựng văn bản, các cơ quan xây dựng cần có ý kiến đánh giá của Bộ KH-ĐT; bổ sung trách nhiệm của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật…

Như một chuyên gia nhận định, cần thiết phải “tăng nhiệt cải cách”, không để giấy phép con hồi sinh, không để điều kiện kinh doanh được cài cắm. Làm được điều đó sẽ không chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, mà còn tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục