Chẩn trị “rác văn hóa” - Bài 1: Làm loạn trên mạng xã hội

Kết nối đa chiều và không giới hạn là những ưu điểm thấy rõ của mạng xã hội. Nhưng lợi đi đôi với hại, thậm chí cái hại ẩn mình dưới những sản phẩm văn hóa để tấn công người dùng, nhất là giới trẻ và trẻ em, là những đối tượng yếu thế, chưa thể tự vệ.

LTS: Xu hướng hội nhập đã và đang đặt ra những bài toán hóc búa trong việc dung hòa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa xu hướng mới và giá trị cũ, giữa hai mặt tốt - xấu của sản phẩm văn hóa. Người trẻ luôn là đối tượng dễ bị tác động nhất bởi những loại “rác văn hóa” trong cuộc sống hàng ngày. Sự tác động của “rác văn hóa” như một mạch chảy ngầm, không thể hiện ngay lập tức nhưng hậu quả để lại rất nặng nề.

Từ lập nhóm “anti” đến tấn công trên diện rộng

“Cô gái được tìm kiếm nhiều nhất trên Facebook, Google, TikTok hôm nay đây rồi. Vào để nhận link nhé mọi người!”. Sau lời thông báo trên nhóm mạng xã hội là hàng chục ngàn bình luận: “Xin link bạn ơi!”, “Có video 8 phút ở bồn tắm không bạn?”, “Ông bà nào xin link inbox tôi nhá”, “V.T. ngon lắm mọi người ạ. Vai nam diễn không đạt lắm, phải chi lúc đó là tôi đã khác”, “Xem clip full 8 phút (hiệp 1) và 1 phút (hiệp 2) thì vào link này nhé”…

Cứ thế, các video clip 18+ của V.T.A.T., một diễn viên quần chúng từng đóng 1 bộ phim truyền hình đình đám, từng ghi danh tham gia cuộc thi hoa hậu, được truyền đi với tốc độ… ánh sáng. Đã có rất nhiều lời chửi bới, thóa mạ, làm nhục cô gái, trong khi dù với bất cứ lý do gì thì cô vẫn là nạn nhân trong vụ việc xâm hại quyền riêng tư cá nhân. 

Lợi dụng sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền nhanh của thông tin trong không gian mạng, những năm gần đây, mạng xã hội trở thành nơi để tấn công cá nhân, bằng việc lập các nhóm để nói xấu, chế ảnh để công kích một người nào đó, nhất là giới nghệ sĩ và những ai đang sở hữu nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội.

Từ sau vụ hoa hậu chuyển giới H.G. bị một nhóm anti-fan thu hút 125.000 tài khoản tham gia chỉ để nói xấu và chế hình ảnh nhằm bôi nhọ những phát ngôn của H.G., các nhóm anti-fan bùng lên như một trào lưu. Hàng loạt gương mặt ca sĩ, diễn viên trong làng giải trí như: T.T., L.V.D., CEO M.L.,… đều bị những nhóm này nói xấu, chế ảnh, viết bài công kích. Việc tấn công người khác trên mạng xã hội bắt đầu trở thành nỗi lo khi những người có chút năng khiếu viết lách, chụp hình đẹp, làm video hay thu hút nhiều lượt theo dõi cũng trở thành đối tượng để các nhóm anti tấn công. 

Chẩn trị “rác văn hóa” - Bài 1: Làm loạn trên mạng xã hội ảnh 1 Những buổi livestream trên mạng xã hội thời gian gần đây thu hút đông đảo người xem. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không chỉ với những cá nhân trong nước, một bộ phận người Việt ở nước ngoài cũng xấu xí với nhau qua những hội nhóm này. Chị T.N. (một người Việt sống tại Italia) kể lại, bản thân chị không chỉ bị tấn công bằng những hội nhóm nói xấu, bóc phốt trên mạng mà nhóm người này còn tấn công đến người thân và đối tác làm việc của chị.

Cuốn tự truyện của chị trong lần ra mắt đã bán nhanh một cách suôn sẻ vì được nhiều người ủng hộ. Khi tái bản vào cuối năm 2020, thì công ty phát hành sách phải thu hồi vì bị nhóm anti nhắn tin đe dọa sẽ dùng truyền thông và đánh giá xấu để gây hưởng không tốt cho fanpage của đơn vị này trên mạng xã hội. 

Livestream vô tội vạ

Mạng xã hội giờ đây đang thực sự trở thành “quyền lực thứ năm”, bởi không chỉ là nơi thu hút sự tương tác rất lớn của người dân mà còn là một trong những kênh thông tin hàng đầu, cập nhật nhanh chóng tất cả vụ việc, sự kiện, hoạt động…

“Quyền lực thứ năm” này đang bị lạm dụng để đăng tải những thông tin, hình ảnh, video clip, livestream (phát trực tuyến) có nội dung xấu, độc, giả, phản cảm, đi ngược lại những điều hay, lẽ phải. Một số người sử dụng đủ loại chiêu trò để sản xuất ra các sản phẩm nhảm nhí, ngôn từ dung tục, thậm chí là vi phạm pháp luật, bất chấp tác hại và hệ lụy đối với người xem. Chưa kể, những livestream với triết lý sáo rỗng, video của các “thánh chửi” được tung hô… càng khiến dư luận lo lắng.

Chẩn trị “rác văn hóa” - Bài 1: Làm loạn trên mạng xã hội ảnh 2 Hội anti nghệ sĩ như nấm mọc sau mưa

Xuyên suốt nhiều ngày qua, “đại chiến” livestream giữa các đại gia kinh doanh và dàn sao Việt đã khiến giới nghệ sĩ náo loạn, chấn động đám đông bởi loạt thông tin gây sốc. Đứng sau những buổi đăng đàn livestream là cả ê kíp hùng hậu hỗ trợ. Những buổi livestream ghi nhận đến hơn 225.000 người theo dõi và hơn 32.000 lượt chia sẻ.

Ở khía cạnh nào đó, ngoài việc chủ đề “bóc phốt nghệ sĩ” được nhiều người quan tâm, thì rõ ràng, sự việc “người người nhà nhà” ngồi hóng những buổi livestream như trên gây nhiều hệ lụy cho xã hội.     

Có một thực tế là, nói sai, thậm chí càng cố tình gây sốc thì lượt xem càng cao, nhanh chóng được “nút vàng”, “nút bạc”, việc kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội càng “khủng”. Vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua thêm lần nữa cảnh báo chúng ta về rác văn hóa từ nền tảng chia sẻ video YouTube.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa YouTube và truyền hình cho thấy, nhu cầu giải trí của nhiều người, nhất là giới trẻ hướng sang các kênh trên YouTube ngày càng nhiều. Và những video từ hay đến độc hại trên nền tảng này hoàn toàn không vô thưởng vô phạt nữa, khi tiền chảy về túi người làm clip, còn sự nguy hiểm thì hướng đến người xem. 

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu (Văn phòng Luật sư Hiếu và cộng sự), trong tất cả phát ngôn, người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng và nên xem xét phát ngôn của mình có khả năng gây tổn hại, ảnh hưởng đến người khác hay không. Việc Nhà nước chưa xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa truy cứu trách nhiệm hình sự, không đồng nghĩa với việc anh không hoặc chưa phạm pháp mà còn tùy thuộc vào tính chất phức tạp của quá trình điều tra, mức độ, tính chất của từng hành vi, mà việc xử lý vi phạm có thể sẽ được thực hiện vào một thời điểm hợp lý khác.

"Một số quyết định xử phạt gần đây chỉ cho chúng ta thấy thực trạng đáng báo động cũng như sự bất lực nhất định của các cơ quan quản lý đối với những hành vi ứng xử không phù hợp trên mạng xã hội. Nếu chúng ta chỉ xử phạt, kể cả mang tính làm gương, thì sẽ không bao giờ chấm dứt những hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng khi mà nguyên nhân sâu xa nhất chưa giải quyết rốt ráo. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trên không gian này. Những bộ quy tắc đạo đức, Bộ luật Dân sự dành riêng chế tài các hành vi không gian mạng (không chỉ là an ninh mạng) sẽ phải là những ưu tiên để chúng ta thực hiện trong thời gian tới", PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia

Đối với góc độ người tiếp nhận thông tin, Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, mọi thứ khi đã lọt vào mắt, vào tai đều để lại dấu ấn trong bộ nhớ và cảm xúc của chúng ta. “Chúng ta không nên chủ quan với những gì mình nghe, nhìn hàng ngày. Rất nhiều người chỉ vì xem quá nhiều thông tin tiêu cực mà bị xuống tinh thần, thậm chí bị trầm cảm. Cho nên, chúng ta phải thận trọng với tất cả những gì chúng ta nghe, nhìn. Giống như đồ ăn vậy, mỗi ngày một chút độc thì cuối cùng nó tích tụ trong cơ thể mình, đến lúc quá tải sẽ sinh bệnh tật. Thông tin cũng như vậy. Vì đó là món ăn, nên một là bổ hai là độc, chọn cái nào là tùy thuộc vào sự tiêu dùng thông minh của chính bạn”.

Mới đây, Bộ TT-TT có văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có nhận định việc thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat) để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Để chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT-TT đề nghị các địa phương phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn… 

Tin cùng chuyên mục