Chàng Văn Danh sung sướng

Chàng Văn Danh sung sướng

Cuối năm gia đình tổ chức cuộc họp bàn chuyện Tết nhứt. Năm nay ngoài chuyện sắm sanh thường lệ, các con muốn có quà tặng mừng thọ người cha, đại tá về hưu vừa tròn tám mươi nhận bằng huân chương chống Mỹ. Đồ đạc trong nhà chẳng thiếu gì, người cha cũng chẳng cần tiền tiêu pha tiệc tùng, tốt nhất mua tặng chậu cây kiểng quí hiếm lâu năm, vừa có ý nghĩa vừa có món của cải trong nhà.

Chị Hai là người lớn quyết định chị và anh Ba có công ăn việc làm lãnh phần chịu tiền. Danh hơn ba mươi tuổi lông bông chẳng vợ con, làm ở Hội Văn nghệ lương bổng chẳng bao nhiêu, lãnh phần đi mua. Thằng Út học sinh cấp ba có máy tính lên mạng tìm kiểu dáng giá cả, in ra giấy cho Danh cầm đi, gọi là góp chút công.

Chàng Văn Danh sung sướng ảnh 1

Danh làm việc ở Hội Văn nghệ, cán bộ văn thư, có làm thơ chút đỉnh, lấy bút hiệu Văn Danh, nhiều lần gởi thơ cho các báo nhưng không báo nào đăng. Có thư hồi âm từ chối, Danh giữ lại làm bộ sưu tập hoài niệm, không chút phiền lòng nản chí. Anh vốn là người lạc quan vô tư.

Danh cầm tiền ra đi, chọn vùng rừng miền Đông có nhiều cây kiểng, có thằng bạn quen làm tài xế ở Hội Văn nghệ tỉnh, có thể nhờ vả tá túc tìm đường đi mua. Đường đi không khó, trưa đến tỉnh tìm anh bạn tài xế được chỉ đến một quán đang lúc nhậu tưng bừng, chủ tịch Hội ngồi một góc, anh bạn tài xế ngồi ở đầu bàn làm chủ xị. Danh được kéo vào ngồi cạnh đầu bàn, được giới thiệu nhà thơ trữ tình Văn Danh, một người bạn tốt cũng là người nhậu tốt.

Cuộc nhậu tiếp tục, đi vào giai đoạn cuối, bỗng có ý kiến nhân có nhà thơ thành phố coi như cấp trên, cuộc nhậu nên tiếp tục đi vào chiều sâu hơn có tình cảm hơn. Ý kiến được cử tọa dễ dàng thông qua đồng ý, nhóm nhậu nhanh chóng lên xe gắn máy vù đi, bỏ lại sau lưng bãi chiến trường cuộc nhậu, bà chủ quán chạy theo la réo ai trả tiền đây, ghi nợ cho ai. Danh ôm lưng anh bạn tài xế, chuyên gia lạng lách xe bốn bánh kiêm xe hai bánh, đến một quán trong hẻm sâu đèn mờ, chỉ có bia và gái, bia khui rót vung tràn em út thơm lừng kề vai áp má, từ xế chiều đến giữa khuya, khách ngã ngớn có người ngủ vùi, anh bạn tài xế ngủ say như chết, bà chủ quán nói khuya rồi về đi mấy cha nội để tôi còn đóng cửa, nhưng trước khi về ai trả tiền đây, tiền cho các em tiền bia bọt, không trả đừng hòng móng nào bước ra khỏi cửa, Hội Văn nghệ là cơ quan văn hóa không thể cư xử thiếu văn hóa.

Chuyện đến nước này tôi không thể kể tiếp, chính tôi là tác giả đặt ra còn thấy lạnh sống lưng. Nhưng Danh thì không, anh là người bạn tốt, sống vì bạn hơn ba mươi vẫn chưa vợ, tình hình khó khăn vội tỉnh rượu ngay, nói tiền đây tiền huân chương kháng chiến bà lấy tính đi, thằng Văn Danh này chẳng thể chết vì đồng tiền, cũng không chịu nhục vì nó. Bà chủ quán cầm tiền đếm mau lẹt rẹt như bói bài, nói xong rồi, đủ rồi cũng vừa may, khen người bạn tốt là người không bỏ bạn, nhà thơ có thể ra về, còn mấy “xác chết trên cao nguyên” này để đây bà liệu bề gói ghém.

Danh ra về, sáng hôm sau thức dậy trong nhà anh bạn tài xế, phải mất một lúc lâu mới nhớ ra sự việc. Thì cũng đến thế thôi, chơi bời chút đỉnh không đến nỗi tội lỗi gì, con người ta chẳng vì chuyện đồng tiền mà buồn khổ. Cũng không khó khăn gì trong chuyện này không thể tính ra, cái chính là đã giúp được bạn bè trong cơn hoạn nạn, anh em văn nghệ sĩ tình cảm với nhau, chuyện cũ coi như qua. Hãy tính những gì đang có trong tay, một cái túi rỗng không và một chậu kiểng cần phải mua.

Người bạn tài xế thức dậy cùng bạn bàn tính. Bán tháo đồ đạc chăng? Không nên, anh bạn tài xế còn có vợ con, Danh không đồng ý. Vay mượn, giật tạm đâu đó? Không dễ, vào lúc năm hết Tết đến như thế này.

Cái khó ló cái khôn, hai người vò đầu bứt tai mãi một lúc lâu chợt ngẩng lên nhìn nhau cười há miệng. Chuyện dễ quá sao không nghĩ ra, đơn giản như cuộc đời vốn đơn giản.

Cây kiểng là cái gì? Trước tiên nó là cây, ta thấy đẹp bỏ vô chậu đem về nhà thành kiểng. Vậy sao ta không lên rừng tìm cái đẹp tận nơi gốc rễ của nó?

Danh lên đường ngay, quăng tờ giấy máy tính, chẳng có khoa học kỹ thuật gì ở đây. Người bạn xin đi theo, cùng chung gánh vác lỗi lầm. Hai người mang vác đủ thứ đồ đạc vật dụng cho chuyến đi dài ngày. Khu rừng phía Bắc giáp biên giới là nơi họ nhắm đến, vùng chiến khu xưa các cơ quan kháng chiến miền Nam, bị tàn phá nhiều nhưng cũng còn rừng, họ chỉ cần tìm một gốc cây lâu năm có dáng dấp già cỗi quí hiếm làm cây kiểng.

Họ đi suốt ngày đến đêm tìm chỗ ngủ, sáng ra đi tiếp. Rừng đây rồi, càng lúc càng rậm dần, đã có bóng dáng cây già cổ thụ, những suối đá trảng cỏ, bờ vực dốc đứng đá tảng phủ rêu phong. Họ lao vào cuộc tìm kiếm, những gốc cây già cỗi xù xì những hình thù kỳ quái, những dây leo quấn quanh, những gốc cây trơ trọi chỉ cần cưa ngang, cắt tỉa ít cành nhánh là thành cây kiểng.

Rất nhiều gốc cây hai người chọn một cách tâm đắc nhưng rồi vội bỏ đi tìm gốc cây khác vừa ý hơn. Đến xế chiều họ thống nhất chọn một gốc cây có những chiếc rễ uốn lượn bao quanh, thân cây rỗng ruột mục nát lại có mấy chồi non lên xanh. Thật có ý nghĩa, mầm xanh mọc lên từ trong lụi tàn. Hai người bắt đầu công việc đào xới, cẩn trọng giữ lại những chiếc rễ lớn, trời tối họ dừng tay nghỉ đốt lửa nấu nướng ăn uống, giăng võng nằm đưa kẽo kẹt, hưởng thú vui của người trường chinh vạn dặm, vừa thoát cơn hiểm nghèo, từ tăm tối đi thẳng ra ánh sáng.

Cuộc đời thật đáng sống, Văn Danh nằm lắc võng cười ha hả, suy gẫm về cuộc đời đẹp như bài thơ của mình. Sanh ra trong một gia đình danh giá, làm việc ở Hội Văn nghệ môi trường của cái đẹp, công tác văn thư tiếp xúc với bản thảo công trình sáng tác, giờ đây đang lặn lội trong rừng tìm quà tặng cho người cha đáng kính, ít hôm nữa sẽ có chậu cây kiểng đặt trước nhà, món quà khiêm tốn gởi cha, món nợ vẫn còn đó, mấy năm sau nhà thơ Văn Danh có tập thơ đầu tay món tiền nhuận bút đưa cha chuộc lại lỗi lầm, đứa con hư trở về đền bù bằng tiền lao động sáng tác.

Phải mất hơn tuần lễ chậu kiểng mới được đem về nhà, giữa khuya lặng lẽ đặt trước sân, sáng ra người cha vui mừng mời các ông bạn cựu chiến binh đến uống trà nhìn ngắm, các ông săm soi nói cây tạp chẳng có gì quí hiếm, thật đáng giận nhưng chấp gì mấy ông già khó tính.

Ngày tháng trôi qua cây kiểng vẫn tươi tốt, Văn Danh vẫn làm thơ chưa in bài nào, chẳng vì thế mà không miệt mài sáng tác. Nghệ thuật là chuyện của cả một đời, có khi hai ba đời, như cây kiểng càng lâu năm càng quí hiếm.

Người cha già ra đi với đất. Danh cũng già, đã về hưu vẫn liên hệ với Hội Văn nghệ, buổi sáng buổi chiều thay cha chăm tưới cây kiểng, một hôm bỗng nhận được giấy nhà xuất bản báo đến nhận sách và tiền nhuận bút. Thật đáng hồ nghi, đến nơi thấy không phải là sách thơ mà là tập hồi ký. Hóa ra nhiều năm Văn Danh say mê làm thơ, bay bổng trên trời xanh, người cha cặm cụi viết hồi ký, chuyện người thật việc thật, tập sách dày nói về những năm đi kháng chiến.

Cuối truyện có đoạn viết về Văn Danh, đứa con trai lông bông tưởng chẳng làm được gì, nhưng rồi cũng làm được một chuyện có ích, lên rừng tìm được cây kiểng thật có ý nghĩa, quí giá có một không hai. Ấy là trong cây kiểng, chỗ hốc sâu rỗng ruột có một miểng bom còn nguyên hàng chữ vũ khí Mỹ, nhiều năm các cành bao quanh ôm siết hòng tiêu diệt nó.

Một kết cục có hậu. Nhưng không hiểu sao với Văn Danh, con người cả đời sung sướng vô tư, lại thoáng chút trầm tư xao xuyến.

12-2005

Truyện ngắn của LÊ VĂN THẢO

Tin cùng chuyên mục