Dù bác sĩ Tạ Trung Quấc không còn nữa nhưng vợ ông, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, mọi người thường gọi thân thương là bà Năm Quấc, vẫn tổ chức họp mặt tại nhà riêng với các sinh viên nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng để thăm hỏi, chia sẻ nhiều điều. Bà Năm Quấc coi đó là truyền thống trong quá trình thực hiện tâm nguyện của chồng: hỗ trợ 100 sinh viên y khoa gia đình nghèo, hiếu học cho đến khi ra trường.
Bà Năm Quấc gặp gỡ thân mật với các sinh viên y khoa nhận học bổng. Ảnh: Việt Nga
Điểm tựa của sinh viên nghèo
Năm 2010, Dương Anh Vũ trúng tuyển Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Gia đình vui mừng nhưng gánh nặng học phí trước mắt khiến cậu học trò không ngừng lo lắng. Vũ cho biết: “Học phí hệ ngoài ngân sách tới 17 triệu đồng/năm, thực sự là một gánh nặng đối với gia đình khi ba mẹ em chỉ là giáo viên cấp 1. Lúc em đậu đại học, chị gái cũng vừa mới ra trường chưa có việc làm nên hoàn cảnh rất khó khăn”.
May mắn đến với Vũ khi trường thông báo nhận đơn xét chọn học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Vũ nộp đơn và khôn xiết vui mừng khi biết mình có tên trong danh sách được nhận học bổng toàn khóa liên tục 6 năm do gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc tài trợ. Vũ bộc bạch: “Nhận học bổng em vui lắm, số tiền đó đã hỗ trợ em rất nhiều để trang trải chi phí ăn học, mua sắm tài liệu... Và bản thân em luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm cố gắng học hỏi và nỗ lực hơn nữa, bởi có biết bao nhiêu kỳ vọng đặt trên đôi vai mình”.
Vừa mới ra trường, quay trở lại buổi gặp mặt thân mật tại gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc, Vũ không khỏi xúc động: “Lần đầu đến đây, em rất bỡ ngỡ, bởi em chưa từng thấy người ta hẹn gặp sinh viên nhận học bổng như thế này bao giờ. Đến rồi, em lại thấy bà Năm Quấc thật sự rất đặc biệt. Bà trò chuyện, tâm sự với các sinh viên xa lạ như những người thân trong gia đình. Bà trao đổi với tụi em nhiều vấn đề trong cuộc sống một cách chân tình, thương yêu nhưng thẳng thắn và nghiêm khắc. Quan trọng nhất, bà dạy chúng em cách làm người, cách làm một bác sĩ tốt”.
Trong hơn 60 sinh viên có mặt tại buổi gặp, Nguyễn Thị Kim Vy (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) ngồi ở một góc, yên lặng lắng nghe từng câu chuyện, từng chia sẻ của bà Năm và các bạn sinh viên. Vy nhận học bổng nhiều năm nay và vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TPHCM. Sức khỏe Vy không được như bạn bè cùng trang lứa, từ năm 13 tuổi, em đã bị suy thận mãn và chịu phụ thuộc suốt đời vào một cái máy chạy thận bên trong cơ thể. Nhà nghèo, Vy là chị cả trong gia đình có 5 chị em. Mẹ mới mất cách đây 2 năm, ba em năm nay đã 60 tuổi, vẫn bán tạp hóa tại nhà để nuôi mấy chị em. Ngày đậu Trường Đại học Y dược TPHCM, Vy vô cùng lo lắng làm sao để theo đuổi ước mơ blouse trắng. Học bổng đến với Vy thật sự như một điều kỳ diệu. “Từ ngày mẹ mất, gia đình túng quẫn, ba tập trung lo cho 4 đứa em còn lại đi học đã khó khăn nên em không nhận trợ cấp từ ba nữa mà tự lo kiếm tiền để học, để trang trải sinh hoạt. Trước khi nhận học bổng, em xin đi làm thêm vài nơi để có tiền sinh hoạt. Nhưng sức khỏe yếu và lịch học dày nên em phải dừng lại. Nhờ có học bổng, em lấy hết tiền đó để đóng học phí nên mới có thể tiếp tục đi học và ra trường như hôm nay”, Kim Vy tâm sự.
Hoàn thành tâm nguyện tặng cho đất nước 120 bác sĩ
Anh Vũ, Kim Vy chỉ là 2 trong số 120 sinh viên y khoa được nhận học bổng toàn khóa từ gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc. Có dịp gặp các bạn sinh viên đã và đang nhận học bổng, được nghe các bạn trẻ tâm sự mới thấy học bổng có ý nghĩa lớn thế nào với họ… Sự “tiếp lửa” từ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, từ những buổi chia sẻ thân mật đã giúp các em càng quyết tâm phấn đấu trên con đường rèn luyện học tập để xứng đáng trở thành người thầy thuốc.
Từ năm 2007 đến nay, gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc đã hỗ trợ 120 học bổng sinh viên y khoa, riêng hỗ trợ Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng là 90 suất. Đối với các sinh viên, học bổng Nguyễn Văn Hưởng đến với các em kịp thời và nhờ đó con đường học vấn của nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không bị gián đoạn. Kim Vy bày tỏ mong muốn của mình: “Học phí của trường một năm là 12 triệu đồng. Nhờ có học bổng nên em mới có cơ hội để học tiếp, chứ với hoàn cảnh của gia đình, có lẽ em phải bỏ học. Em rất biết ơn các cô chú, đặc biệt là bà Năm đã dành tâm huyết cho tụi em. Sau này, kiếm được tiền em cũng mong muốn được trích một phần lương của mình để chia sẻ với các em sinh viên khó khăn như tụi em bây giờ”.
Trong không khí đầm ấm của buổi gặp mặt, những câu chuyện kể của bà Năm về chồng bà, bác sĩ Tạ Trung Quấc; những chia sẻ về nghề y càng trở nên hào hứng. Bà Năm trải lòng: “Mỗi người có một cuộc đời để sống, phải sống sao cho đáng. Ngành nào cũng vậy, không riêng gì ngành y, bao nhiêu cũng đủ và bao nhiêu cũng là không đủ, quan trọng là bản thân mình muốn gì”.
|
TIỂU TÂN