Tình trạng trên diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã 2 năm nay trước mặt các cơ quan chức năng nhưng không bị xử lý. Điều này đã và đang gây bức xúc cho nhiều du khách đến với địa phương này, gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường du lịch. Trước bức xúc trên, PV Báo SGGP quyết định thâm nhập, điều tra.
Chỉ có khách đi ô tô mới được vào cửa hàng Trúc Thời Đại.
Bất minh nguồn hàng
Trước khi tiếp cận những cửa hàng kinh doanh hàng này chúng tôi đã được anh T., chủ một khách sạn ở Huế khuyến cáo: “Các ông muốn vào được thì phải thuê ô tô, giả làm khách du lịch thì mới được đón tiếp. Còn đi xe máy thì bị đuổi ngay”.
Chiếc xe 16 chỗ vừa đỗ trước cổng cửa hàng Trúc Thời Đại (nằm trên quốc lộ 1A, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) thì có 4 - 5 nhân viên ra tận cửa đón tiếp, mời vào ngay bên trong. Chưa kịp định thần, đã có 3 - 4 nhân viên mặc áo dài tím ra mời vào ngay bên trong. Ngay lập tức, một nhân viên đeo bảng tên Võ Anh Hùng dẫn đoàn khách chúng tôi vào một căn phòng rộng chừng 30m² và cánh cửa được đóng sầm lại. Tại đây, chúng tôi được mời uống một ly nước mà theo nhiều người phản ánh đây là chất kích thích thần kinh, sau khi uống sẽ khiến mọi người cảm thấy lâng lâng, thích mua sắm mặc dù không có nhu cầu.
Với tài khéo miệng, nhân viên Võ Anh Hùng bắt đầu huyên thuyên về những tính năng, công dụng của các mặt hàng được làm mẫu tại đây. Theo Hùng, tất cả đều được làm từ chất liệu xơ tre, từ quần áo lót nam, nữ đến khăn lau, khăn choàng cổ, gối nệm… Cầm trên tay chiếc quần lót nam, Hùng tuyên bố: “Các anh mua cái quần này về mặc thì chữa được bệnh thận, giúp cường dương. Hay như chiếc gối được bọc bên trong than tre có thể giúp ngủ ngon giấc, chữa bệnh nghiến răng. Thậm chí, chỉ cần mua một gói than tre về bỏ trong phòng ngủ sẽ được ngủ ngon giấc hơn. Còn bỏ vào tủ lạnh sẽ khử được tất cả mùi hôi, độc tính tích tụ trong quá trình lưu giữ thức ăn”(!?).
Khi chúng tôi thắc mắc về xuất xứ nguồn hàng, Hùng khẳng định từ Pháp, một số từ Đài Loan. Thế nhưng, khi vào nơi trưng bày hàng hóa thì tất cả mặt hàng chỉ có một cái nhãn nhỏ bằng hộp diêm và ghi bằng tiếng Trung Quốc. Khi chúng tôi muốn biết rõ về giấy phép hay giấy chứng nhận chất lượng của các mặt hàng có khả năng chữa bệnh, Hùng ấp úng và tìm cách phớt lờ bằng câu nói: “Thôi, chúng tôi giới thiệu tới đây là được rồi. Quý khách nên ra khu mua hàng đi”.
“Chặt chém” khách hàng
Vừa bước vào khu mua hàng, đã có hàng chục nhân viên tiếp tục “săn đón”. Đoàn khách chúng tôi 8 người mà có tới gần 20 nhân viên đến giới thiệu, mời mua hàng. Đặc biệt, từ khi bước chân vào cổng, tất cả khách hàng được cảnh báo: “Không quay phim chụp hình!”. Theo quan sát của chúng tôi, bất kỳ khách nào có động tác rút điện thoại hoặc máy ảnh ra chụp đều bị nhắc nhở và ngăn cản. Tất cả như một mê cung, muốn đi từ khu bày bán mặt hàng này qua khu bày bán mặt hàng khác nhiều lúc chúng tôi phải nhờ nhân viên chỉ đường.
Trong siêu thị Trúc Thời Đại, gần như tất cả các mặc hàng gia dụng, từ nhỏ đến lớn, quần áo, xà bông, mỹ phẩm, khăn, chăn drap gối nệm, đồ lưu niệm… đều không có nhãn mác, không ghi nơi sản xuất. Đa số mặt hàng đều ghi chữ Trung Quốc.
Điều khiến chúng tôi vô cùng kinh ngạc là giá cả của các mặt hàng nơi đây cao ngất ngưởng. Một đôi vớ giá 75.000 đồng, một chiếc quần lót nam giá 450.000 đồng, một chiếc khăn quàng cổ giá 350.000 đồng… Để có cơ sở làm bằng chứng, chúng tôi mua một vài món hàng giản đơn, nhưng khi tính tiền thì cô nhân viên in cái phiếu có giá lên đến 1,7 triệu đồng mà thực tế nếu mua ở ngoài, chúng tôi chúng tôi chỉ phải trả chưa tới 300.000 đồng. Trên đường về, anh H. tài xế xe chúng tôi tiết lộ anh được “lại quả” 700.000 đồng chỉ với đoàn khách chúng tôi. “Chỉ cần đưa khách vào thì họ (cửa hàng Trúc Thời Đại - PV) trả cho tài xế 15.000 đồng/khách không cần biết có mua hay không. Nếu khách mua thì được hưởng thêm 41% trên tổng số tiền ghi trên hóa đơn bán hàng. Nếu không phải hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng thì họ lấy gì để kinh doanh, trả lương, chi phí vận hành?”, tài xế H. thắc mắc.
Cũng với kiểu kinh doanh “chặt chém” du khách, chúng tôi được tài xế H. chở đến cửa hàng kinh doanh hàng lưu niệm, bán lẻ đồ trang sức ngọc trai của Công ty TNHH Một thành viên Kinh Đô Phúc Địa (tại số 9 Phạm Văn Đồng, phường Vĩ Dạ, TP Huế). Tại đây, việc đón tiếp khép kín không khác gì cửa hàng Trúc Thời Đại. Các mặt hàng được sản xuất từ ngọc trai có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Chúng tôi chỉ mua 2 hộp bột mà theo nhân viên ở đây giới thiệu là chiết xuất từ ngọc trai có khả năng chữa phục hồi da bị lão hóa, xóa vết nám trên mặt… với giá 600.000 đồng. Điều đáng nói là bên ngoài hộp ghi chữ Trung Quốc, trên thân chai chứa bột ngọc trai lại ghi tiếng Anh còn tờ giấy đính kèm bên trong lại ghi chữ Việt Nam! Lại một lần nữa, tài xế H. cho biết, anh được cửa hàng “lại quả” gần 200.000 đồng.
Trong suốt quá trình thâm nhập thực tế và tìm hiểu, chúng tôi còn được biết nhiều khách du lịch đến Huế đều được các tài xế móc nối với 2 cửa hàng này để đưa khách đến. Nhiều người bị mê hoặc bởi lời nói ngon ngọt (có thông tin còn bị thôi miên) đã dốc hết tiền mua hàng. Có người mua đến vài chục triệu đồng, khi lên xe đi được vài kilômét thì chợt tỉnh và không biết mua để làm gì và ôm bức xúc không biết bày tỏ cùng ai.
Cơ quan chức năng: Không biết!
Tìm đến Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Thanh, Chi cục trưởng, nói: “Các anh cũng chỉ nghe du khách phản ánh chứ đâu có bằng chứng gì để nói những cửa hàng này bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc”. Thế nhưng, khi chúng tôi đưa ra những mặt hàng đã mua từ 2 cửa hàng Trúc Thời Đại và Kinh Đô Phúc Địa kèm theo hóa đơn tính tiền thì ông Thanh ú ớ thừa nhận: “Đây là hàng lậu, hàng giả rồi. Thú thật là tôi chưa biết gì về việc này cả. Để tôi họp ban lãnh đạo chi cục cùng những cán bộ quản lý địa bàn sau đó mới trả lời cho báo chí được”.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm đến Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vừa mới thấy những mặt hàng chúng tôi đưa ra, ông Lê Đình Khách, Phó Giám đốc sở, nói ngay: “Nhìn bằng mắt thường thì cũng biết hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ là đơn vị có nhiệm vụ cấp phép đầu tư, còn việc giám sát, kiểm tra việc kinh doanh có đúng với ngành nghề đăng ký hay không thì thuộc về các đơn vị chức năng khác”. Ông Khánh còn cho rằng, với những thông tin, bằng chứng mà PV cung cấp thì đây quả là vấn đề nghiêm trọng. Việc kinh doanh theo kiểu “chặt chém” du khách bằng hàng không rõ nguồn gốc không những ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh mà còn gây mất uy tín nghiêm trọng đến môi trường du lịch của Thừa Thiên - Huế.
Khi chúng tôi đề cập đến việc 2 cửa hàng này không treo bảng hiệu kinh doanh, ông Đỗ Duy Nhã, Phó phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT Thừa Thiên - Huế), nói thẳng: “Không treo biển hiệu công ty, bán hàng không nhãn mác đã là vi phạm pháp luật rồi. Họ lợi dụng kẽ hở pháp luật, sự thiếu thông tin về sản phẩm của du khách để lừa đảo thì càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi sẽ lập tức đề nghị UBND tỉnh cho lập đoàn liên ngành để kiểm tra, nếu vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức”.
NGUYỄN HÙNG