Ngày 5-9 là ngày khai giảng năm học 2014 - 2015, nhưng trên thực tế, hôm nay (11-8) hầu hết các trường phổ thông của TPHCM đã chính thức bước vào năm học mới. Trong khi các trường công lập đã ổn định sĩ số và các điều kiện cơ sở vật chất cùng đội ngũ giáo viên cho năm học, thậm chí nhiều trường phải nới rộng chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu xin học của phụ huynh vốn thường quá tải diễn ra vào đầu mỗi năm học, thì rất nhiều trường ngoài công lập (dân lập, tư thục) vẫn đang loay hoay với điệp khúc “trường chờ lớp, lớp chờ học sinh”.
TPHCM là nơi có nhiều trường phổ thông ngoài công lập nhất của cả nước. Trong hơn 1.900 đơn vị trường học ở các cấp của TPHCM (từ mầm non đến trung học phổ thông) thì có khoảng 50% là trường ngoài công lập, trong đó bậc học mầm non và tiểu học chiếm gần 54%. Sau 10 năm kể từ khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhất là từ khi triển khai Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống trường ngoài công lập phát triển khá nhanh.
Các trường ngoài công lập đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các trường công lập, đáp ứng nhu cầu lớn về học hành cho con em người lao động, đặc biệt là ở các nơi đông người nhập cư, khu chế xuất, khu công nghiệp… của TPHCM. Việc hình thành hệ thống trường ngoài công lập đã thu hút, huy động nguồn lực lớn của xã hội, của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục - đào tạo. Cùng với việc hình thành và phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ngoài công lập, đã tạo nên một bức tranh giáo dục đa dạng, phong phú của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tuy nhiên, sau giai đoạn “trăm hoa đua nở”, các trường ngoài công lập bỗng rơi vào cảnh lụi tàn. Ngoại trừ một số trường có tên tuổi và vẫn trụ được trước sóng gió những năm qua (như Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký, Ngô Thời Nhiệm, Đinh Thiện Lý…), hầu hết các trường ngoài công lập đều gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút học sinh cho năm học mới. Mặc dù đã dùng rất nhiều cách để quảng cáo rầm rộ, chiêu dụ bằng các mục tiêu “đảm bảo đậu đại học”, khuyến mãi giảm học phí... nhưng phụ huynh và học sinh vẫn ngoảnh mặt. Một số trường cho đến giờ này mới chỉ tuyển được khoảng 1/5 sĩ số cần thiết cho việc mở lớp. Trong khi đó, các trường công lập vẫn chen chúc dù có công khai xin nới rộng chỉ tiêu hay âm thầm tăng sĩ số.
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho các trường ngoài công lập ngày càng teo tóp. Nhưng trước hết là chất lượng giáo dục đào tạo, trong đó quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sau thời kỳ đầu dùng mức lương cao để thu hút giáo viên giỏi, do tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư có hạn nên nhiều trường ngoài công lập đã dần dần phải giảm lương của giáo viên và cán bộ quản lý, thậm chí một số trường lâm vào cảnh nợ lương giáo viên nhiều tháng liền. Khi đội ngũ “máy cái” bị rơi rụng thì chất lượng giảng dạy sa sút rõ. Một số trường khác teo tóp, chất lượng giáo dục kém do quan điểm sai lầm của các nhà đầu tư: chạy theo lợi nhuận. Vì chăm chút thu lợi nhuận nên chủ đầu tư của trường đã không tái đầu tư cho giáo dục; cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị giảng dạy hư hỏng không được sửa chữa và thay mới. Một số trường hợp khác khi mở trường không đủ tiềm lực, không có trường lớp riêng phải đi thuê mướn mặt bằng, chia năm xẻ bảy, manh mún và bệ rạc…
Thực trạng trên đã ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến chất lượng giáo dục đào tạo của các trường ngoài công lập. Nhưng hậu quả không lường trước được của thực trạng này là lòng tin của phụ huynh và học sinh vào các trường ngoài công lập đã giảm sút nghiêm trọng. Đối với rất nhiều bậc cha mẹ trong những năm gần đây, các trường dân lập và tư thục không còn là sự lựa chọn nơi học hành cho con em mình nữa. Trong khi đó, sau một thời gian chấn chỉnh, được chính quyền và các ban ngành của thành phố quan tâm đầu tư, các trường công lập đã được “thay da đổi thịt”, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Hàng năm, dù gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, TPHCM vẫn dành từ 20% - 25% ngân sách để đầu tư cho giáo dục mà chủ yếu cho giáo dục công lập.
Trong bối cảnh như vậy, các trường ngoài công lập phải tìm cách tự chấn chỉnh và đổi mới cách làm giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, làm thay đổi cách nhìn và lấy lại niềm tin nơi phụ huynh và học sinh. Mặt khác, chính quyền TPHCM cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các trường ngoài công lập phát triển đúng hướng, thu hút được các nguồn lực đầu tư cho giáo dục để các trường ngoài công lập trở thành một bộ phận không thể thiếu của một nền giáo dục đa dạng và phong phú.
PHAN LỘC