Thị trường tôn:

Chất lượng và thông số kỹ thuật

Chất lượng và thông số kỹ thuật

Hiện nay, trên thị trường tôn có các loại tôn mạ kẽm, tôn mạ màu, tôn lạnh được cán sóng tròn, sóng vuông, sóng ngói, làm vòm tôn kẽm hoặc chấn máng xối… Tuy nhiên, một sự thật đáng báo động là hiện nay người tiêu dùng hầu như không thể mua được tôn đúng chất lượng khi khó nắm bắt được tiêu chuẩn về độ dày tôn.

Người bán lợi dụng đơn vị tính và dung sai

Chất lượng và thông số kỹ thuật ảnh 1

Tôn được cắt sóng tại một nhà máy cắt cán tôn thép.

Các hàng hóa trên thị trường đều có những đơn vị tính riêng biệt được sử dụng thông dụng. Như gạo, thịt… dùng đơn vị tính là kilogram (kg), đo bàn, tủ thì dùng mét (m), kiếng thì dùng ly, mua tivi thì tính bằng inches… còn khi mua tôn đơn vị dùng phổ biến là zem và m tới. Tấm tôn có khổ ngang thông dụng là 1,2m và người mua chỉ việc đo m tới để cắt theo nhu cầu sử dụng, nhưng zem là hệ đơn vị gì thì không mấy người được biết, đặc biệt là người tiêu dùng bình dân. Theo anh Triết, Giám đốc Kinh doanh Công ty Tôn Đông Á, zem để chỉ độ dày của tôn, tôn càng dày thì chất lượng càng bền nhưng lại làm nặng công trình (phải tăng kết cấu chịu lực bên dưới) và đắt tiền hơn, người tiêu dùng nên tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng để lựa chọn độ dày tôn phù hợp.

Như theo quy trình của một nhà máy sản xuất tôn, một tấm thép nền có độ dày 0,21mm khi mạ kẽm lên thì tấm tôn kẽm có độ dày là 0,23mm, khổ ngang 1200mm thì có khối lượng 2,1kg/m với dung sai chỉ là +/-0,05kg (khoảng 2%), khi quy ra zem thì tấm tôn này có độ dày là 2zem40. Tuy nhiên, khi người viết đi thực tế tại các nhà máy cắt, cán tôn thép, tấm tôn này khi ra đến thị trường có thể bị người bán gọi thành … 3zem và bán với giá 1 tấm tôn 3zem, cơi lệch đến 25%. Nếu người tiêu dùng phát hiện ra thì họ giải thích là do tôn có độ dung sai. Tuy nhiên thực tế người bán cơi lệch dung sai gấp hơn 10 lần do với dung sai chuẩn của các nhà máy sản xuất và điều này làm người tiêu dùng luôn mua tôn với độ dày mỏng hơn rất nhiều so với nhu cầu cần dùng.

Nên chăng cần in rõ thông số kỹ thuật lên biên tôn?

Để phổ biến cho người tiêu dùng nắm bắt các thông số kỹ thuật khi mua tôn là một quy trình khá lâu, một số chuyên gia trong ngành cho biết cách tốt nhất là nhà sản xuất nên in trực tiếp các thông số này lên biên tôn để người tiêu dùng nắm rõ mình đang mua loại tôn nào. Anh N.T.Điệp – Giám đốc Công ty Tôn thép Việt-Nhật (Quận 2) khẳng định điều này và cho biết “thị trường hiện nay đã chuyên nghiệp hơn”. Công ty của anh Điệp hàng tháng tiêu thụ 150 – 200 tấn, bao gồm cả tôn kẽm và tôn màu, trong đó thị trường chủ yếu là các công trình, nhà xưởng và vẫn bán đúng theo độ dày, zem mà nhà sản xuất quy định nhưng không gặp trở ngại gì. Chị T.T.Thúy – Phó Giám đốc Công ty Tôn thép Trường Thành (Gò Vấp) đắn đo hơn, “hiện nay các khách hàng cá nhân muốn in thông số rõ ràng để lợp nhà đúng chất lượng. Tuy nhiên, khách hàng là nhà thầu lại có xu hướng lấy hàng không in rõ”. Chị Thúy cho biết, một số công ty đã triển khai việc in rõ thông số lên biên tôn thì sản phẩm khó cạnh tranh hơn trong khi tôn của một số đơn vị như Hoa Sen, Tovico có loại không in gì, có loại còn in 4zem thành 4,1 hay 4,2zem và chỉ một số ít loại in chính xác. Việc in lệch có lợi cho các đại lý bán tôn nhưng rõ ràng người tiêu dùng gặp thiệt và ở đây không có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nào kiểm tra.

Chị L.T.A.Tuyết – Quản lý xưởng của Nhà máy Á Châu (Bình Chánh) nói, thị trường gần như phải chấp nhận sai lệch này và khiến người mua lúng túng. Chúng tôi ghi nhận bảng giá tại nhà máy của chị Tuyết in rõ zem thị trường (có sai lệch), zem thực đo (đúng) và cả khối lượng để người mua tham khảo. Như bảng giá áp dụng từ ngày 1-6-2007 tại đây ghi, loại tôn lạnh có zem thị trường là 4 thì zem thực đo chỉ là 3,3. Khi được hỏi, chị Tuyết vui vẻ trả lời, “trước đây người dân không biết zem thực đo nhưng từ khi mình mở nhà máy và hướng dẫn kỹ về zem thì các nhà máy khác quanh khu vực cũng phải bán đúng theo zem”. Chị cho biết thêm, khi phân phối đi quận 1, 4, 6 thì hầu hết lấy hàng đúng zem, còn tại các quận 7, Cần Giuộc nhiều người không quan tâm đến zem cho thấy một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ về thông số này. Các công ty sản xuất cũng lơ đi vấn đề này, như Tôn Trung Nguyên, Đại Thiên Lộc hoàn toàn không in các thông số lên biên tôn và điều này càng làm thị trường thêm mơ hồ.

Hiện nay, chúng ta đang hội nhập kinh tế với thế giới, các chuẩn mực cũng dần được hoàn thiện và quan trọng hơn hết là quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo. Tuy nhiên trên thị trường tôn, sự chuẩn mực hầu như không có và để cạnh tranh về giá, các đại lý bán hàng buộc phải “thả lỏng” dung sai và từ đó đẩy giá trị thật của sản phẩm ngày một thấp dần và đang xuống đến mức báo động.

Tường Châu

Tin cùng chuyên mục