Châu Á chi “bạo” cho quốc phòng

Nguy cơ xung đột đẩy mạnh chạy đua vũ trang
Châu Á chi “bạo” cho quốc phòng

Báo cáo “Cán cân quân sự 2013” của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) vừa được công bố cho biết năm 2012, châu Á lần đầu tiên vượt châu Âu về chi tiêu quốc phòng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ì ạch, chất lượng sống người dân bị giảm sút, rất nhiều các tổ chức trên thế giới đã cảnh báo, lên án việc đổ tiền vào vũ khí.

Máy bay chiến đấu ngày càng được nhiều quốc gia đặt hàng.

Máy bay chiến đấu ngày càng được nhiều quốc gia đặt hàng.

Nguy cơ xung đột đẩy mạnh chạy đua vũ trang

Trong khi chi tiêu quốc phòng ở châu Á tăng 4,94% trong năm qua, con số này của các nước thành viên NATO của châu Âu lại giảm 11% so với thời điểm năm 2006. Nguyên nhân là do sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng của các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha, vốn chiếm 70% chi tiêu quân sự của châu Âu. Quân số của NATO hiện là 1,86 triệu người, giảm 25% so với năm 2000 (2,51 triệu người).

Theo IISS, chi tiêu quân sự tăng mạnh ở châu Á chủ yếu là do sự tăng cường tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc. Giai đoạn 2011-2012, số tiền dành cho quốc phòng của Bắc Kinh tăng 8,3%. Trung Quốc rất tự hào với đồng tiền nước này bỏ ra khi đem lại những thành tựu về quân sự như tàu sân bay đầu tiên chuẩn bị được đưa vào hoạt động; cho ra mắt máy bay tàng hình J-20, máy bay chiến đấu J-15 được sử dụng trên các tàu sân bay… Quốc gia châu Á này đang đẩy mạnh tiềm lực hải quân với việc hướng tới trang bị những chiếc tàu khu trục “made in China” có tầm hoạt động rộng ở nhiều đại dương, các tàu hộ tống cũng như máy bay tuần tra trên biển. Động thái này được cho là sự chuẩn bị của Trung Quốc cho các vụ tranh chấp về chủ quyền của nước này với các nước láng giềng châu Á.

IISS cho rằng ngoài việc tăng cường “tiếng nói” trong các tranh chấp, Trung Quốc tăng cường quân sự còn là sự đáp trả chính sách hướng về châu Á của Mỹ. Chính sự chuẩn bị của Bắc Kinh đã kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. Hàng loạt quốc gia đua nhau sắm các loại vũ khí mà trước đây không có trong danh sách trang bị cho quân đội các nước này như tên lửa chống hạm, tàu ngầm, các loại máy bay chiến đấu tiên tiến. Năm 2012, Bộ Quốc phòng Philippines thông báo trong năm 2013, Manila sẽ có 2 tàu chiến hiện đại lớp Maestrale từ hải quân Italia với giá 285 triệu USD.

Đây là lần đầu tiên Philippines sở hữu tàu chiến được trang bị tên lửa và khí tài hiện đại. Philippines tin rằng các tàu này sẽ nâng cao khả năng phòng vệ, bảo vệ lãnh thổ, tiêu diệt khủng bố và tăng cường năng lực chấp pháp trên biển cho Philippines. Manila cũng sẽ ký hợp đồng trị giá 76 triệu USD với công ty sản xuất máy bay của châu Âu để mua 10 chiếc trực thăng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Philippines đã đề xuất với Tổng thống Benigno Aquino kế hoạch mua máy bay T-50 Golden Eagle của Hàn Quốc và một số máy bay chiến đấu khác. Trung Quốc cho biết trong năm 2013, nước này sẽ còn tăng chi phí quân sự lên 10,7%, trong khi các nước châu Á cũng dự báo cũng sẽ tăng  5% so với năm trước.

Tình hình bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh thời gian gần đây trở thành yếu tố khiến các nước liên quan phải tăng cường tiềm lực quốc phòng. Mới nhất, Mỹ đã tuyên bố sẽ chi khoảng 1 tỷ USD từ nay đến 2017 để bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên. Năm vừa qua, chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, chiếm 45% tổng chi phí toàn cầu. Theo tính toán của IISS, để bắt kịp Mỹ về chi tiêu quân sự năm 2023, Trung Quốc sẽ phải tăng trung bình 15% mỗi năm.

Kéo lùi chất lượng cuộc sống

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết số lượng hợp đồng mua bán vũ khí thông thường trong giai đoạn 5 năm 2008 - 2012 đã tăng 17% so với thời kỳ 2003 - 2007. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã qua mặt Anh để lọt vào nhóm 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo về tình hình buôn bán vũ khí trên thế giới trong năm 2012 được SIPRI công bố ngày 18-3, trong giai đoạn 2008 - 2012, Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc là những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Á lọt vào danh sách 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, vốn bị các nước châu Âu và Bắc Mỹ thống trị suốt hơn 20 năm qua. Theo SIPRI, mặc dù thị phần buôn bán vũ khí toàn cầu giảm 3%, từ 78% xuống còn 75%, song khối lượng xuất khẩu vũ khí của nhóm 5 quốc gia nói trên vẫn tiếp tục tăng tới 14%. Chỉ tính riêng Mỹ và Nga, hai quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, lần lượt chiếm tới 30% và 26% thị phần cung cấp vũ khí toàn cầu. 5 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore. Khối lượng nhập khẩu của những quốc gia này chiếm 32% thị phần mua sắm vũ khí toàn cầu.

LHQ vừa qua đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng chi tiêu quân sự và chạy đua vũ trang gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Theo cơ quan này, chi tiêu quân sự lớn của một nước có thể làm tăng độ e ngại của nước khác về nguy cơ mất an ninh, tạo ra vòng luẩn quẩn về chạy đua vũ trang phá hoại hòa bình và an ninh quốc tế. Điều này đặc biệt đáng ngại khi các nước đang phát triển đã khốn khó trong cuộc chiến chống đói nghèo, dịch bệnh và thất học, nay lại mất đi nguồn tài chính lớn để mua sắm vũ khí. Tình trạng này kéo lùi sự phát triển kinh tế và xã hội. Không ít các nhà hoạt động vì hòa bình đã lên án việc chi tiêu quốc phòng của các quốc gia đã làm người dân trở nên bất hạnh.

Đỗ Cao (tổng hợp)

- Lần đầu tiên, châu Á vượt châu Âu về chi tiêu quốc phòng

Tin cùng chuyên mục