Châu Á và khả năng phục hồi hậu Covid-19

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố bản cập nhật cho báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO). Trong đó, tổ chức này đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay ở châu Á.

Các con số đi xuống

Theo IMF, số ca mắc mới Covid-19 tăng do biến chủng Delta và tốc độ tiêm chủng chậm đang là rào cản lớn đối với triển vọng phát triển kinh tế khu vực. IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Dự báo kinh tế năm 2021 của Trung Quốc được điều chỉnh giảm 0,3%, xuống còn 8,1% do đầu tư công và hỗ trợ tài khóa chậm lại. Kinh tế Ấn Độ dự báo tăng 9,5% trong năm nay, giảm 3% so với lần dự báo trước.

Riêng khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho Indonesia hạ 0,4% xuống còn 3,9%; Malaysia hạ 1,8% xuống còn 4,7%; Philippines hạ 1,5% xuống còn 5,4% và Thái Lan là 2,1%.

Châu Á và khả năng phục hồi hậu Covid-19 ảnh 1 Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia

Hàn Quốc là quốc gia ghi nhận những đánh giá tích cực từ IMF. Tổ chức này đã nâng dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2021 lên 4,3% (tăng 0,7% so với tháng 4 vừa qua) bất chấp những lo ngại về tác động của làn sóng lây nhiễm thứ 4 và nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2022 lên 3,4% (tăng 0,6% so với mức 2,8% được đưa ra hồi tháng 4).

Dự báo tăng trưởng mà IMF đưa ra cao hơn mức dự kiến của Chính phủ Hàn Quốc là 4,2%, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) (4,0%) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) (3,8%).

Sự điều chỉnh mức dự báo này được cho là phù hợp trong bối cảnh đại dịch vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Ngoài yếu tố dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ là một trong những rủi ro mà nền kinh tế các nước phải đối mặt trong những tháng tới.

Ông Jonathan Ostry, Phó Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương, IMF nhận định, đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở châu Á có mối liên kết chặt chẽ với Mỹ, chính sách tiền tệ sẽ tạo ra tác động lớn thông qua kênh thương mại. Ông Jonathan Ostry cho rằng, lãi suất của Mỹ đang trên đà tăng và điều này đang lan sang các thị trường mới nổi châu Á.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng phát đi tín hiệu sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023. Kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ thường có khuynh hướng hút các dòng vốn khỏi châu Á, khiến các đồng tiền nội tệ mất giá và đẩy lãi suất trong khu vực lên cao hơn. Nếu lãi suất ở Mỹ thực sự tăng liên tục và kéo dài, đồng USD lên giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ gặp thách thức, nhất là những quốc gia mà sự chênh lệch lãi suất có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng.

Cần khôi phục theo giai đoạn

Nhận định về triển vọng kinh tế châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, ngoài các biện pháp ngăn chặn và tiêm chủng, việc khôi phục theo từng giai đoạn và chiến lược các hoạt động kinh tế - thương mại, sản xuất và du lịch sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng sự phục hồi là bền vững, toàn diện và có triển vọng. Dịch Covid-19 càng nhanh chấm dứt thì toàn bộ khu vực có thể mở cửa trở lại càng sớm.

Theo ADB, các nước châu Á cần chung tay hợp tác phục hồi nền kinh tế. Kể từ đầu năm 2020, nghèo đói đã tăng vọt ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khi rất nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là du lịch phải đóng cửa. Các chính phủ đã tăng cường kích thích tài khóa, các chương trình bảo trợ xã hội... nhưng những nỗ lực này dường như chưa đạt được hiệu quả khi các nền kinh tế tiếp tục phải vật lộn để đối phó với những đợt lây nhiễm mới.

Trong khi đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, việc hội nhập chặt chẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu đã làm giảm nhẹ sự tổn thương của các nền kinh tế châu Á trong đại dịch. Nếu các quốc gia có thể cùng nhau hợp tác cung cấp, phân phối vaccine và các vật tư y tế quan trọng khác, đồng thời đẩy mạnh các chính sách hội nhập sâu rộng trong khu vực, khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch vẫn có khả năng xảy ra.

Tin cùng chuyên mục