Châu Âu cần một cuộc cải cách cấu trúc kinh tế

Cuộc khủng hoảng nợ bùng phát tại Hy Lạp giờ đây đang âm ỉ lan rộng sang nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Italia và thậm chí cả Anh - nước nằm ngoài khu vực đồng EUR.

Cuộc khủng hoảng nợ bùng phát tại Hy Lạp giờ đây đang âm ỉ lan rộng sang nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Italia và thậm chí cả Anh - nước nằm ngoài khu vực đồng EUR.

Cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ lan rộng không những trong khu vực châu Âu cả sang nhiều nước khác vì đồng EUR cũng là một trong những ngoại tệ mạnh trên thế giới, chỉ đứng sau USD. EU là thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của nhiều nước, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ (thị trường châu Âu chiếm 20% giá trị hàng xuất khẩu của Mỹ).

Sau Hy Lạp, Tây Ban Nha đã có bước đi “đau đớn nhưng cần thiết” để giảm nợ công. Hạ viện Tây Ban Nha đã thông qua gói cắt giảm ngân sách 15 tỷ EUR với số phiếu sít sao là 169 phiếu thuận/168 phiếu chống và 13 phiếu trắng. Trong kế hoạch này bao gồm cả việc cắt giảm 5% lương công chức và giảm các kế hoạch đầu tư công. Mục tiêu của nước này là cắt giảm thâm hụt từ mức 11% GDP hiện nay xuống còn 6% GDP vào năm 2011. Italia cũng chuẩn bị cắt giảm ngân sách ước tính 24 tỷ EUR và Anh cắt giảm 18 tỷ bảng Anh chi tiêu ngân sách.

Các nhà kinh tế cảnh báo nếu không có những biện pháp quyết liệt, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tại nhiều nước thành viên EU đến năm 2020 có thể tăng lên mức từ 100% đến 200% GDP. Thế nhưng, vấn đề là chính sách thắt lưng buộc bụng này sẽ càng đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước lên cao, nhất là Tây Ban Nha vốn đang ở mức 20% (gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở châu Âu). Ngoài ra, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách cũng đồng nghĩa với việc ngừng các gói kích thích kinh tế trong khi nền kinh tế EU chỉ mới vừa hồi phục, do đó có thể đe dọa đến tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, vấn đề ở chỗ không chỉ cắt giảm ngân sách là xong, cụ thể nếu so sánh về mức độ nợ công giữa Hy Lạp trong năm nay với Mỹ trong năm 2009 không ai có thể nghi ngờ rằng Mỹ có thể tự xoay xở thoát khỏi tình trạng này. Nguyên nhân vì sao? Đó là do nền kinh tế Mỹ năng động hơn kinh tế Hy Lạp và có tiềm năng phát triển cao hơn Hy Lạp. Điều này nền kinh tế Hy Lạp và cả các nước châu Âu chưa thể có. Chỉ có tiềm năng phát triển kinh tế cao mới có thể đẩy nhanh tốc độ giảm thâm hụt ngân sách.

Để đạt được tiềm lực cao về tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng các nước châu Âu không còn cách nào khác là đẩy nhanh tốc độ cải cách cấu trúc kinh tế. Một nền kinh tế quá nhiều người làm công ăn lương như Hy Lạp trước sau gì cũng gia tăng thâm hụt ngân sách.

Theo Ủy viên kinh tế EU, ông Olli Rehn, cải cách cấu trúc kinh tế có thể giúp nền kinh tế EU tăng trưởng trên 2% trong vòng 10 năm tới, tạo thêm hơn 10 triệu việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3% vào năm 2020.

Một trong những biện pháp cải cách này, theo ông Rehn, là việc mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đối với các công ty tư nhân và cá nhân đầu tư vào khối. Các nước như Hy Lạp và Italia từng nhiều lần bỏ ngoài tai lời kêu gọi của EU về tự do hóa thị trường. Trong những biện pháp cải tổ cấu trúc kinh tế còn có cả việc thành lập một quỹ tiền tệ của riêng EU, một tổ chức đủ mạnh với nguồn lực có thể can thiệp nhanh vào những thành viên gặp khó khăn. Quỹ 750 triệu EUR vừa được thành lập chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình này. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục