Châu Âu khủng hoảng khí đốt

Châu Âu khủng hoảng khí đốt

Cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga, Ukraine và EU phần nào lắng dịu sau khi Công ty Khí đốt Gazprom của Nga tuyên bố vào hôm nay (4-1) sẽ phục hồi lượng khí đốt xuất khẩu sang EU (qua ngõ Ukraine, riêng phần xuất sang Ukraine thì chưa tính tới).

Cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn cả bàn cờ chính trị giữa Nga và các nước khác tại châu Âu. Qua đây cũng cho thấy vai trò rất lớn của Nga đối với an ninh năng lượng châu Âu, đặc biệt là khi Nga giữ chức chủ tịch nhóm G8.

  • Tác động dây chuyền
Châu Âu khủng hoảng khí đốt ảnh 1

Một cụ già Ukraine tìm củi về làm chất đốt thay cho gas. Ảnh:  AFP

Ước tính, chỉ riêng các nước Tây Âu đã phụ thuộc vào 1/4 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga, phần lớn lại trung chuyển sang Ukraine. Na Uy, nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất tại Tây Âu đã cảnh báo rằng họ đã chạy hết công suất nhưng khó mà kéo dài để bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga.

Nhiều ngành công nghiệp sử dụng khí đốt tại châu Âu đang than vãn, đáng ngại nhất là ngành nhiệt điện. Việc thiếu hụt khí đốt buộc các nhà máy điện chạy bằng khí đốt phải tăng giá điện.

Điều này sẽ đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh. Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều công ty bán khí đốt tại châu Âu đã lên kế hoạch chuyển đổi chiến lược. Công ty bán sỉ khí đốt MOL của Hungary yêu cầu khách hàng chuyển sang sử dụng dầu để làm chất đốt.

MOL phụ thuộc vào 40% lượng khí đốt dẫn từ Nga. Công ty Gaz de France của Pháp cho biết, lượng khí đốt Nga cung cấp cho Pháp giảm 30%; lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào Slovakia giảm 30%. Các công ty khí đốt khác tại Bosnia, Serbia và Montenegro, Đức, Italia, Áo, Ba Lan, Croatia và Romania cũng bị tụt giảm doanh số đáng kể do không đủù khí đốt để bán.

  • Không chỉ là kinh tế

Sau khi Nga ngưng chuyển khí đốt sang Ukraine, các bộ trưởng năng lượng của Đức, Italia, Pháp, Áo và cả Bộ Ngoại giao Mỹ cùng nhau đưa ra lời kêu gọi Nga nhanh chóng phục hồi đường ống dẫn khí đốt sang Ukraine. Ukraine thì cáo buộc Nga đang “cố tình làm mất ổn định” nền kinh tế nước này bằng việc nâng giá khí đốt từ 50USD lên 230 USD/1.000m3.

Ukraine còn cho rằng đây là “sự trừng phạt” của Nga đối với Tổng thống Victor Yushchenko sau khi ông này làm cuộc “cách mạng Cam” đưa Ukraine theo đường lối thân phương Tây. Báo chí phương Tây còn cho rằng, cuộc khủng hoảng khí đốt sẽ làm cho đảng của Tổng thống Yushchenko mất phiếu vào tay các đảng thân Nga trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3 tới. Ukraine còn chỉ ra rằng, Nga bán khí đốt cho Belarus với giá thấp hơn giá mà Nga mới đề nghị với Ukraine.

Khí đốt Nga (Công ty Gazprom) xuất qua các nước châu Âu (số liệu năm 2004)
Khách hàng lớn: Đức:38 tỷ m3, Ukraine: 34 tỷ m3, Italia: 21 tỷ m3, Thổ Nhĩ Kỳ: 14 tỷ m3, Pháp: 12 tỷ m3.
Tỷ lệ phụ thuộc: Slovakia: 100%, Bulgaria: 94%, Hy Lạp: 92%, Cộng hòa Czech: 73%, Hungary: 72%, Áo: 63%, Ba Lan: 60%.
Giá (USD/ 1.000 m3): Belarus: 47, Ba Lan: 200-250, Estonia: 100, Moldovia: 80, Lítva: 151.
Nguồn: BBC, AP

Nguyên nhân, theo phía Ukraine là do chính phủ Belarus thân với Nga. Thực tế thì không phải vậy bởi Nga bán khí đốt cho Armenia, một nước cũng thân Nga với giá không rẻ chút nào và bán cho Azerbaijan, một nước thân phương Tây với giá rẻ.

Giải thích cho lý do này, Công ty Gazprom của Nga cho rằng giá bán khí đốt của họ sang các nước khác nhau là do phụ thuộc vào chi phí dẫn khí đốt tới nước đó. Hơn nữa, giá khí đốt còn phụ thuộc vào giá thị trường thế giới.

Ngoài ra, Gazprom cho biết, họ đang cần tăng doanh thu để trang trải chi phí mở rộng các khu vực khai thác khí đốt khác khi mà nguồn khí đốt hiện nay đang bị khai thác triệt để. Còn một lý do khác cũng do Gazprom đưa ra: nguồn khí đốt Nga bán giá rẻ đã bị nhiều nước sử dụng một cách lãng phí trung chuyển.

Sau khi Gazprom thông báo sẽ phục hồi lượng khí đốt xuất khẩu sang các nước châu Âu khác trừ Ukraine, Kiev phản ứng lại bằng tuyên bố sẽ lấy bớt khí đốt đi qua đường ống này nếu nhiệt độ xuống dưới mức 0 độ C và cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp theo hợp đồng ký kết với Nga và xem đó như là lệ phí.

Hiện 80% khí đốt của Nga xuất qua các nước khác ở châu Âu qua ngõ Ukraine.

Trong khi mối quan hệ Nga-Ukraine đang căng thẳng thì Nga đang lập dự án xây dựng thêm một số đường ống dẫn khí đốt không qua ngõ Ukraine. Trong số đó có đường ống dẫn qua Belarus tới Ba Lan vào năm 2006, khi hoàn thành có thể đạt công suất 33 tỷ m3/năm; đường ống dẫn khí dưới biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ; đường ống dẫn qua các nước Baltic tới Đức…

HUY QUỐC tổng hợp

“Sử dụng lãng phí nguồn nhiên liệu là nguyên nhân chính gây cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine”
Pascal Lamy - Tổng Giám đốc WTO trả lời kênh tin tức Pháp LCI.

Tin cùng chuyên mục