

Trụ sở ICANN tại California
Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra tuyên bố chính thức nêu rõ, Tổ chức Quản lý tên miền Internet (ICANN) đang kiểm soát mạng Internet toàn cầu phải được đưa ra đấu giá và chuyển sang quản lý quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên khi châu Âu chọn thời điểm này để đưa ra yêu cầu trên vì đến tháng 9 tới, hợp đồng giữa ICANN với Chính phủ Mỹ sẽ hết hạn. ICANN được thành lập năm 1998, là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hợp đồng với Bộ Thương mại Mỹ. ICANN phải thường xuyên báo cáo hoạt động và tham khảo ý kiến với Nhà Trắng. Thực tế, từ năm 2006, hợp đồng ký giữa 2 bên có phần tự do hơn và hiện nay ICANN chỉ phải tham khảo ý kiến khoảng 2 lần mỗi năm.
Theo số liệu của EC, thế giới hiện có khoảng 1,5 tỷ người sử dụng Internet, gồm hơn 300 triệu người ở EU. Trong khi đó, tổ chức chịu trách nhiệm về tên miền của mạng thông tin toàn cầu lại phải tuân thủ luật pháp bang California (Mỹ) và phải báo cáo với ban lãnh đạo Nhà Trắng.
Vấn đề quản lý mạng Internet đã được đề cập nhiều lần. Hồi năm 2005, trước thềm hội nghị thượng đỉnh tin học thế giới, EU đã yêu cầu chuyển Internet sang dạng quản lý quốc tế, giao vai trò kiểm soát mạng thông tin toàn cầu cho một tổ chức quốc tế mới hoạt động trong khuôn khổ LHQ. Nga cũng không hài lòng trước việc mạng toàn cầu lại được giám sát độc quyền bởi một tổ chức của Mỹ.
Vấn đề đã được đề cập ở cấp cao nhất và được thảo luận tại cuộc tiếp xúc mới đây tại điện Kremlin, trong khuôn khổ đề án “Nước Nga điện tử”. Phó Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp và các nhà công nghiệp Igor Iurghen cho biết: “Tôi đã dự hội thảo Internet thường niên ở Rio de Janero và chúng tôi đã tranh cãi với người Mỹ về ICANN. Tất cả đại biểu đều có thẻ tín dụng. Chỉ cần một lần thanh toán bằng thẻ là anh vĩnh viễn rơi vào siêu máy tính Mỹ và sẽ bị theo dõi hoạt động. Đấu tranh với điều này bằng cách lập ra siêu máy tính của mình là điều không thực tế. Các đồng nghiệp từ Brazil và Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự chúng tôi”.
Việc một quốc gia nắm quyền kiểm soát toàn bộ mạng Internet đã được Bộ trưởng Liên lạc và Truyền thông Nga Igor Segolev nêu lên từ năm 2008. Ông Segolev nhấn mạnh, quan điểm của Nga không chỉ được các quốc gia BRIC ủng hộ, mà cả các nước châu Phi cũng tán thành. Internet cần trở thành một hệ thống mở. Một trong những động thái tiến tới sự cởi mở này là đưa vào các tên miền cấp 2 bằng ngôn ngữ quốc gia. Đăng ký các tên miền bằng ký tự Cyril cần phải được tiến hành vào mùa thu năm nay và hiện điều này phụ thuộc vào ICANN, vốn vẫn đòi hỏi phải đăng ký các tên miền bằng ký tự Cyril vào miền của họ.
VIỆT LÊ (theo Computerworld, AP)
(SGGP-12G)