Sau những tập sách viết về người lính như Mai-pi-muôn, Nơi không có mùa đông, Những tầng cây săng lẻ, Một buổi sáng nhiều chim… đầu tháng 12 này, Châu La Việt (ảnh) có tiểu thuyết Tiếng chim hót lảnh lót trong rừng được đưa vào Chương trình đầu tư sáng tác văn học đề tài Chiến tranh cách mạng năm 2014 của Bộ Quốc phòng, được in ấn hàng ngàn bản để tặng cho các đơn vị trong toàn quân…
* Thưa nhà văn Châu La Việt, chỉ trong vòng hai năm qua, anh đã có tới 4 tập sách viết về người lính. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết mới nhất “Tiếng chim hót lảnh lót trong rừng”, anh có thể chia sẻ với bạn đọc đôi nét về cuốn sách này?
* Nhiều năm tháng tôi là một người lính ở một binh trạm làm nhiệm vụ vận chuyển và chiến đấu tại mặt trận miền Tây - một mặt trận mà tính quan trọng và mức độ ác liệt có thể so sánh với bất cứ mặt trận nào. Bởi thế đã có những ngày tháng, BT chúng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1971, ta quyết giành lại cánh đồng Chum. Để đủ súng, đạn và gạo cho bộ đội 959 tổ chức chiến dịch, Tổng cục Hậu cần và Cục Vận tải quân sự đã tăng cường thêm sức mạnh cho binh trạm với việc đưa trung tá Dư Cao, một sĩ quan tài năng và đức độ của Tổng cục vào làm Chính ủy BT chúng tôi.
Chỉ trong một thời gian ngắn củng cố và xây dựng binh trạm, Chính ủy Dư Cao đã cùng binh trạm trưởng Lê Việt Sinh và ban chỉ huy binh trạm tạo nên một Huyền thoại đường 7, lập nhiều chiến công xuất sắc và hoàn thành mọi trọng trách mà đất nước và quân đội giao phó...
Thời gian trôi qua, năm 2011, tôi cùng những người bạn Nguyễn Hiệp, Nguyễn Hiếu, Trần Minh Văn,Trịnh Dũng, Lê Đình Đạo… có một chuyến sang thủ đô Viêng Chăn của nước bạn Lào và được một người con trai của Chủ tịch Xuphanuvông đang giữ cương vị là Thứ trưởng trong Chính phủ Lào cũng như đại sứ của ta ở Lào lúc ấy là nhà thơ Tạ Minh Châu đón tiếp rất ân tình. Đêm ấy trong một khách sạn ở Viêng Chăn, khi các bạn đã yên ngủ, riêng tôi lại nằm… khóc! Nước mắt cứ trào ra khi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu ở BT 13 mặt trận Xiêng Khoảng Lào, nhớ lại tuổi 17 của mình với chiếc ba lô cóc và khẩu súng trên vai, một đêm chiến tranh lội qua Nậm Tiền Nậm Mật, khi thì nước sông loang loáng ánh bạc, khi thì bừng sáng vì pháo sáng quân thù…
Vâng, cái đêm tuổi 17 lần đầu sang Lào ấy, và rồi nhiều năm tháng chiến đấu ác liệt ở Bản Ban, Nọng Hét… có bao giờ tôi dám nghĩ rồi một ngày người lính năm ấy là tôi sẽ bay trên một chiếc Boeing 777 đến thủ đô của nước bạn Lào như hôm nay…
Khóc, nhớ những cánh rừng, những con đường, những trọng điểm: Nậm Tiền, Nậm Mật, Đèo Đất, Đèo Đá rồi Bản Ban… mà đồng đội của mình trong những ngày chiến tranh đã chiến đấu vô cùng gian khổ, vô cùng anh dũng để giúp các bạn Lào giành lại Cánh đồng Chum, để giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào. Ngay lúc ấy, trong ký ức tôi hiện lên hình ảnh Chính ủy Dư Cao mà tôi hằng coi ông như cha và BT 13 của tôi với bao sự tích hào hùng, bao vẻ đẹp cao quý …
Sau chuyến đi Viêng Chăn, với sự thôi thúc của tâm hồn, tôi đã từ TPHCM bay ra Vinh, rồi theo đường 7 trở lại những con đường, những cánh rừng năm xưa. Tôi đã quỳ xuống vã lên mặt mình nước dòng sông Lam, quỳ xuống uống con nước trong vắt của sông Nậm Mật, Nậm Tiền… Và rồi đêm ấy, tôi đã bắt đầu những dòng viết đầu tiên cho câu chuyện này…
* Bắt đầu bằng Chính ủy Dư Cao?
* Vâng, bắt đầu bằng Chính ủy Dư Cao.
* Vậy là nhân vật Chính ủy Dư Cao là nhân vật có thật làm nên cuốn tiểu thuyết. Khi viết về ông trong quãng thời gian ông đã mất, anh có gặp phải những khó khăn nào?
* Tôi chỉ một niềm ân hận giá như tôi viết tiểu thuyết này sớm hơn, để chính ủy thân yêu của tôi và một số những đồng đội khác có thể đọc hôm nay. Tôi thật sự yêu chính ủy và các đồng đội của mình bằng cả tâm hồn. Đấy chính là sức mạnh để tôi cầm bút viết…
* Sau tiểu thuyết này, anh sẽ tiếp tục với loại hình gì khác?
* Tôi đang in một tập thơ (NXB Văn học), nó có thể mang tên Người gõ trống, mà cũng có thể chỉ đơn giản là thơ Châu La Việt. Nó chỉ mỏng mảnh 18 bài thôi, nhưng gói ghém cả một thời trận mạc của tôi.
Cùng với tập thơ ấy, cũng ở NXB Văn học là tiểu thuyết Mùa hạ, chuyện một người lính trẻ đi vào cuộc chiến tranh…
TRẦN HOÀNG THIÊN KIM (thực hiện)