Một số trường điểm ở Hà Nội tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1 (với tỷ lệ bình quân 1 chọi 3) và nhiều trường mầm non công lập ở Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức bốc thăm để nhận các cháu vào trường. Những biểu hiện đó một lần nữa đánh động trước toàn xã hội về sự bất cập, bị động, yếu kém của cả hệ thống giáo dục ở nước ta, từ sở đến bộ.
Trẻ con 6 tuổi vào lớp 1 vốn chưa biết gì mà đã tổ chức thi tuyển là một cách làm sai phạm nghiêm trọng về phương pháp giáo dục, buộc người ta phải cho con học chữ trước - kể cả học ngoại ngữ - từ lúc học mẫu giáo. Lẽ ra, Bộ GD-ĐT phải nghiêm cấm chuyện này, nhưng cứ dùng dằng, không dứt khoát và hầu như bỏ mặc từ trước đến nay, mặc ai muốn làm gì thì làm.
Nhưng tại sao phải thi tuyển vào lớp 1 hoặc bốc thăm vào trường mầm non công lập? Có 2 nguyên nhân chính, trước hết là do cung không đủ cầu. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi năm số trẻ lứa tuổi mầm non ở thủ đô tăng thêm hơn 30.000 cháu, trong khi việc xây thêm trường rất hạn chế (do thiếu đất, thiếu tiền). Hiện Hà Nội thiếu tới 7 triệu mét vuông đất để xây trường, trong đó riêng bậc mầm non đã là 2,3 triệu mét vuông.
Còn ở bậc học phổ thông, nguyên nhân chạy trường, theo tôi, là do cách làm giáo dục sai lầm của một bộ phận quản lý ngành. Lẽ ra cần phải đầu tư đồng đều cho tất cả các trường công lập để tạo sự bình đẳng thực sự cho mọi học sinh trong nhà trường thì nhà nước - thông qua ngành giáo dục - lại tập trung đầu tư xây dựng một số “trường điểm”, “trường chất lượng cao”, từ đó khuyến khích một số phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả đua nhau chạy trường cho con, tạo nên những cảnh nhếch nhác, bất công, phân hóa giàu nghèo ngay trong môi trường giáo dục - nơi rất cần có sự hài hòa, bình đẳng.
Theo tôi, việc thu tiền học sinh để xây dựng, phát triển loại hình “trường chất lượng cao” nên để cho các trường tư thục làm, trên cơ sở thỏa thuận một cách tự nguyện giữa ban giám hiệu nhà trường với phụ huynh học sinh, hoàn toàn không có sự ép buộc hoặc “gợi ý” nào. Đó là những việc cần làm sớm để tiến tới chấm dứt cảnh chạy trường phản giáo dục vẫn diễn ra thường xuyên ở nước ta hiện nay.
BIÊN HÀ (Bình Thạnh, TPHCM)