Chè nguyên liệu về đâu?

Chè nguyên liệu về đâu?

Đã có biết bao câu chuyện nhọc nhằn của người trồng cà phê, mía, sắn, điều... Chỗ này có lúc người nông dân phải chặt bỏ cả vườn cây, chỗ kia có năm, nhà máy thiếu nguyên liệu phải đóng cửa. Cây chè dường như may mắn hơn, vẫn luôn xanh trên các triền đồi của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Năm nay mưa nhiều, năng suất và sản lượng chè đều tăng.

Thế nhưng, ông Trần Huy Luân, Giám đốc Công ty cổ phần chè Quân Chu (Đại từ - Thái Nguyên) cho biết: “Nguyên liệu (chè tươi) cần khoảng 28 tấn /ngày, mà chỉ mua được chừng 30%, trong khi giá mua 2.700 đ/kg (tăng 200 đồng so với năm ngoái).

Chè nguyên liệu về đâu? ảnh 1
Đưa chè tươi vào dây chuyền chế biến.

Công ty có hợp đồng bao tiêu chè với nông dân, nhưng chỉ có tính “hù dọa” các đối tượng cạnh tranh mà thôi, chẳng bắt buộc được nông dân phải bán cho doanh nghiệp”. Thái Nguyên – đất chè – có đến xấp xỉ ba chục nhà máy chế biến, nhưng nhiều doanh nghiệp đang có hoàn cảnh tương tự, thậm chí có nhà máy phải đóng cửa. Vậy chè nguyên liệu đi đâu?

Chè nguyên liệu lên giá là tín hiệu mừng đối với nông dân. Nhưng chưa cần tính hết các chi phí để làm ra một kg chè, chỉ riêng việc thuê nhân công hái đã mất từ 1.000 đến 1.500 đ/kg. Chẳng biết bao giờ mới có máy hái chè, mà liệu chi phí hái máy có rẻ hơn không? Vì vậy, cái giá bán dao động từ 2.000 đến 2.700 đ/kg hiện nay cũng chẳng thể nào còn thấp hơn được nữa. Cứ 5 kg chè tươi có thể làm ra được 1 kg chè khô, đầu tư thêm một chút cho chế biến, giá bán có thể từ 40 đến 100 ngàn đồng/kg, ngay cả dù có bán với giá đại trà 20 đến 30 ngàn đồng/kg vẫn còn hơn là bán chè nguyên liệu cho nhà máy. Cho nên ngày càng có nhiều hộ nông dân tìm cách tự đầu tư chế biến chè, từ bình dân đến đặc sản.

Ông Luân cũng thừa nhận: “Người trồng chè không có lỗi và việc họ tự đầu tư vào chế biến chè chất lượng cao là xu hướng tất yếu trong lúc này”. Có vẻ như trong khi người dân đang mày mò đi tới, còn nhà máy thì vẫn chỉ lo giải quyết nguyên liệu trước mắt chưa xong. Nhưng xét cho cùng, dù người chế biến chè là ai đi chăng nữa, thì để giải bài toán nâng cao giá trị của sản phẩm chè cũng phải có giống, công nghệ chế biến và thương hiệu.

Để có chất lượng cao, bảo quản được lâu, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, giống chè trung du hiện nay dường như chưa đáp ứng được. Còn giống nào tốt hơn thì ngành chè cũng chưa khẳng định. Số lượng các nhà máy chế biến chè khá nhiều, nhưng bình quân đầu tư chỉ khoảng 1 đến vài tỷ đồng /nhà máy, làm sao có chè chất lượng cao? Khi chất lượng đã chẳng đáp ứng được, thì xây dựng thương hiệu có khác nào xây lâu đài trên cát.

Bao nhiêu năm nay, nói đến kinh tế nông nghiệp Thái Nguyên, không thể không nói đến chè. Người trồng chè tìm mọi cách có thu nhập ngày càng cao hơn, không thể không mừng. Nhưng cái lo chính là làm sao để người trồng chè chỉ phải chuyên tâm làm ra chè nguyên liệu. Lúc này đây, hai người bạn đồng hành – nhà máy và người trồng chè – phải chăng đã đến khúc quanh?

Có thể nhìn thấy trước lối rẽ của người nông dân cũng chẳng có con đường bằng phẳng. Sản phẩm của họ cũng chỉ như bao đời nay, giá trị tăng thêm có được là bao. Nhưng chọn con đường đi cùng doanh nghiệp, liệu họ có còn kiên nhẫn? Thái Nguyên đang mở cuộc thi thiết kế nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” – dường như chỉ là một cái tên chung cho chè nguyên liệu.

Trong khi đó, biết bao người vẫn đang uống Lipton, Dihmar, mà chẳng bao giờ biết chè đó trồng ở đâu. Còn ở những siêu thị sầm uất, những túi chè Thái Nguyên mộc mạc vẫn “ngượng nghịu” trên những giá hàng. Phải chăng các nhà máy chế biến chè bấy lâu nay chẳng có bước tiến nào?

NGUYÊN BÌNH

Tin cùng chuyên mục