Trên thực tế, có một số người dân mua vé tàu tết nhưng sau đó vì những lý do khách quan mà họ không có nhu cầu sử dụng, nên chuyển nhượng vé cho những người khác.
Đối với hành vi này thì pháp luật không cấm vì không mang tính thương mại. Tuy nhiên, nếu một đối tượng tiến hành thu gom nhiều vé tàu sau đó bán lại với giá cao hơn gấp 2, gấp 3 lần để thu lợi thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 46/2016 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Theo đó, phạt tiền 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân mua bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính; phạt tiền 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm này. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tịch thu toàn bộ số vé tàu hiện có và còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Nghị định 167/2013, trường hợp đối tượng bán vé chợ đen cố tình tụ tập, lôi kéo người dân mua vé gây ra hiện tượng mất trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính 2 - 3 triệu đồng.
Theo Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự, trường hợp đối tượng bán vé chợ đen đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.