Chị ta cười toe toét nói: “Ông chạy xe qua bất ngờ quá, chả biết được!”. Chỉ thế thôi, không một lời xin lỗi, hẳn chị ta xem việc đổ nước bẩn, hay vứt rác ra đường là chuyện thường tình, chẳng may trúng ai thì người đó ráng chịu.
Một lần khác, vào sáng sớm tôi cùng 2 người khách đứng chờ xe buýt ở một trạm trên đường Châu Văn Liêm (quận 5, TPHCM), trước một tiệm bán tạp hóa. Chợt một bà từ trong tiệm này cầm chổi bước ra quét rác trên vỉa hè, làm cát bụi bay mù mịt chỗ chúng tôi đứng.
Một ông cao tuổi đứng chờ xe buýt nhắc: “Sao chị không lấy nước vẩy lên rồi hãy quét cho đỡ bụi. Ở đây có trạm xe buýt, nhiều bà con đang đứng chờ”. Và ngay lập tức ông bị bà này đáp trả bằng một giọng đanh đá: “Ô hay, kệ tôi, cửa nhà tôi, tôi quét, ông bày đặt lắm chuyện”. Cũng không một lời xin lỗi.
Nhiều người vẫn thường vứt chuột chết, bịch rác ra đường, trúng ai nấy chịu, xem thường việc gây ô nhiễm, nhếch nhác đô thị. Nhiều người bán quán ăn uống bên lề đường và người bán hàng rong, xe đẩy vẫn thản nhiên đổ nước bẩn, vứt rác ra đường hoặc tuôn xuống miệng cống, cho dù có thùng rác công cộng gần đó.
Nhiều cư dân vẫn có thói quen chỉ biết giữ sạch riêng cho nhà mình, còn rác cứ đổ bừa bãi ra đường. Mọi người xung quanh nhìn thấy và trong lòng bất bình nhưng chẳng dám nhắc và cũng chẳng thấy ai kiểm tra, xử phạt.
Tại nhiều khu dân cư, rác bẩn, xà bần đổ đầy ra đường, tuôn xuống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường, ấy vậy mà nhiều gia đình ở khu dân cư đó vẫn được công nhận là gia đình văn hóa và khu phố ấy vẫn được công nhận khu phố văn hóa
Để xây dựng kỷ cương nếp sống văn minh đô thị, không thể chỉ trông chờ hoàn toàn vào sự tự giác của cư dân mà rất cần có sự kiểm soát, chế tài mạnh.
Từng địa phương phải có người chuyên trách tiếp nhận thông tin phản ánh về những trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, văn minh đô thị và xử phạt các hành vi vi phạm với mức chế tài mạnh theo quy định.