Trong “Báo cáo phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2025” của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), tháng 12-2008, có những con số rất đáng suy nghĩ, liên quan đến việc “ăn nhậu”. Đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn, lạm phát chưa qua thì giảm phát đã đến.
Xin dẫn ra một vài số liệu: toàn ngành sản xuất bia có 151 doanh nghiệp ở 52 tỉnh thành, tổng năng lực sản xuất là 2.713 triệu lít/năm. Với rượu có 78 doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp, năng lực sản xuất 107,22 triệu lít/năm. Cho dù các nhà máy chưa chạy hết công suất, nhưng bình quân, mỗi năm một người Việt Nam đã được cung cấp đủ để uống hết 21,67 lít bia. Một điểm rất đáng lưu ý nữa là kể từ năm 2000 đến nay, sản lượng bia, rượu liên tục tăng.
Hai vùng được xác định là dẫn đầu về năng lực sản xuất (dễ hiểu kéo theo đó là năng lực tiêu thụ) rượu, bia là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.
Với đồng bằng sông Hồng, có thể sản xuất được 1.038,75 triệu lít bia/năm, chiếm 38,28% lượng bia cả nước; Đông Nam bộ sản xuất được 749,88 triệu lít bia/năm, chiếm 27,63% lượng bia cả nước. Về rượu công nghiệp, hai vùng này vẫn dẫn đầu nhưng cũng có sự đổi ngôi giữa bia và rượu: Đông Nam bộ vô địch với 37,51 triệu lít, chiếm 34,98% năng lực sản xuất rượu cả nước; còn đồng bằng sông Hồng về nhì với 30,07 triệu lít rượu/năm, chiếm 28,04%.
Cũng cần nêu ra một con số: theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 42% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ rượu, rượu kém chất lượng. Thống kê của ngành giao thông cũng cho thấy, nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông cũng là từ rượu, bia.
Thực tế thì rượu, bia là loại đồ uống được sử dụng hàng ngày, bản thân chúng không có tội, chỉ do người uống quá chén mà thôi. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều người cho rằng người ta sẽ uống ít rượu, bia hơn. Con số thống kê chưa có, nhưng thực tế thì việc ăn nhậu vẫn diễn ra rất tưng bừng từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi xuống vùng duyên hải. Đi đâu cũng thấy ăn nhậu.
Mở đầu câu chuyện cũng rượu bia, kết thúc câu chuyện cũng rượu bia. Vui cũng uống mà buồn cũng uống. Đám cưới uống đã đành, đám ma cũng uống đến say bí tỉ. Mừng ngày hội ngộ cũng rượu bia mà giải quyết oán thù cũng rượu bia. Rượu bia đã thành một cung cách xã giao, nói chuyện mà không được rót cho chén rượu, ly bia thì ngấm ngầm tức tối cho là nó khinh mình.
Đáng lo hơn, chuyện bia rượu nhậu nhẹt đã không còn là độc quyền của giới mày râu, mà lan sang cả nữ giới. Không ít vị phụ nữ còn uống tợn hơn cả nam. Bia rượu không chỉ có ngoài đường, mà còn vào cả trường học. Sinh viên uống, học sinh cũng uống.
Nghĩ đến những con số sản lượng bia, rượu sản xuất và được uống từng năm không khỏi giật mình. Ly bia, chén rượu không chỉ là rượu và bia, mà còn là chuyện kinh tế, chuyện hạnh phúc của mỗi gia đình, chuyện ứng xử giao tiếp của toàn xã hội, chuyện sức khỏe và mạng sống. Đôi khi, buồn hơn, đó còn là chuyện nhân cách.
Cho nên, nhìn vào tốc độ sản xuất rượu bia qua từng năm, thấy lượng tiêu thụ lớn, chưa hẳn đã dám mừng.
Nam Việt