Chỉ cần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũ?

Chỉ cần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũ?

Chương trình giáo dục phổ thông mới:

(SGGP).- Ngày 21-8, tại Hà Nội, thông tin tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể: Bước đột phá của ngành giáo dục” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ và Truyền hình Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: triển khai chương trình mới, chỉ 5% - 10% các trường còn khó khăn về cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên hoàn toàn có thể đáp ứng chương trình mới...

Môn “Công dân với Tổ quốc” là môn học bắt buộc từ lớp dưới đến lớp trên. Ảnh: Mai Hải

Đáng chú ý, khi Bộ GD-ĐT ban hành CT GDPT tổng thể, dư luận lo lắng việc phân hóa ở bậc THPT cho phép học sinh được tự chọn học một số môn học (trong đó có lịch sử) liệu có dẫn đến tình trạng môn học này sẽ bị học sinh quay lưng. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, trong CT GDPT mới, kiến thức lịch sử không chỉ có trong môn lịch sử mà có trong môn “Công dân với Tổ quốc”, bao gồm các nội dung đạo đức công dân, lịch sử, quốc phòng.

Môn “Công dân với Tổ quốc” là môn học bắt buộc từ lớp dưới đến lớp trên. Lên bậc THPT, môn lịch sử là môn lựa chọn, nhưng nếu học sinh chọn khoa học xã hội thì phải học về sử, địa. “Tại các kỳ thi quốc gia, ít thí sinh lựa chọn lịch sử. Nhưng khi thi tìm hiểu về lịch sử thì nhiều thí sinh tham gia. Điều này nói rằng lịch sử không phải bị thờ ơ” - ông Hiển khẳng định.

Một vấn đề đáng chú ý khác mà xã hội quan tâm, là CT GDPT mới đặt ra chuẩn môn học ngoại ngữ như thế nào khi học sinh học hết phổ thông? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, Việt Nam có 6 khung tham chiếu như châu Âu. Theo đó, học hết THPT, học sinh Việt Nam đạt đến bậc 3 của khung tham chiếu, nghĩa là có thể đọc được tài liệu, giao tiếp được bằng ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc dạy và học ngoại ngữ thời gian vừa qua có hạn chế là theo định hướng như dạy môn văn hóa: nặng ngữ pháp, từ vựng; học xong phổ thông học sinh, sinh viên (HS-SV) chỉ biết đọc, biết viết. “Còn CT GDPT mới, mục tiêu dạy ngoại ngữ là nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh. Cho nên toàn bộ CT, phương pháp dạy học ngoại ngữ sẽ thay đổi, bảo đảm học xong, HS-SV Việt Nam ngoài đọc, viết còn nghe, nói được. Hiện nay có nhiều mô hình trường học ngoại ngữ rất hay, đó là những mô hình trường học du lịch. Học sinh mời người nước ngoài đến để dạy tiếng Anh.

CT GDPT mới sẽ dạy theo hướng tích hợp ở tiểu học, THCS. Nghĩa là từ dạy đơn môn, giáo viên sẽ chuyển sang dạy tích hợp các môn. Vấn đề này có làm khó giáo viên và đội ngũ giáo viên sẽ đáp ứng như thế nào? Theo ông Hiển, trong dạy tích hợp, chỉ cần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũ. Không nên lo lắng vì giáo viên hiện tại vẫn có thể dạy phân môn của mình trong môn tích hợp. Còn các chuyên đề, nội dung của chuyên đề cần nhiều kiến thức của phân môn nào thì giáo viên đó phụ trách. Mặt khác, CT GDPT mới sẽ không thực hiện như trước. Tùy điều kiện từng trường sẽ vận dụng đến mức độ nhất định, không yêu cầu thực hiện đồng loạt…

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục