Trong 17 mục tiêu quốc gia thuộc Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngành giáo dục được giao đảm nhiệm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 4 (SDG4): “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”, với 8 mục tiêu cụ thể. Sau 5 năm triển khai, các mục tiêu đã đạt được những kết quả ban đầu và có thể khẳng định, Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu SDG4 “về giáo dục có chất lượng và công bằng” vào năm 2030. Từ nay đến 2030, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn cho 2 mục tiêu khó là mục tiêu về chất lượng lao động có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động và mục tiêu về tiếp cận bình đẳng giáo dục và đào tạo cho những người dễ bị tổn thương.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng “Bộ chỉ số phát triển giáo dục” làm công cụ giám sát triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, đảm bảo sự tương thích chung với mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục (SDG4). Thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ chú trọng trong việc nâng cấp cơ sở vật chất trường học các cấp để đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, đảm bảo quy chuẩn tiếp cận với người khuyết tật.
Theo các thành viên Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, “nhóm chỉ số về giáo dục của Việt Nam cho thấy ngành giáo dục đã đạt được những tiến bộ rất chắc chắn”. Giáo dục luôn được Đảng, Nhà nước và người dân đặc biệt chú ý quan tâm - đây là nền tảng tốt. Một số kết quả cụ thể được đưa ra như: Giáo dục phổ thông đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), trong tốp 40; giáo dục đại học nằm trong tốp 70, đào tạo nghề ở vị trí khoảng 90. Theo báo cáo đánh giá năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển...