Trong Tháng công nhân lần 8 năm 2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho công nhân bị tai nạn lao động như: tặng sổ tiết kiệm, khám bệnh, tặng quà... Sự quan tâm sẻ chia này đã giúp những trường hợp không may mắn vơi đi một phần nỗi đau của thể xác và tinh thần.
Vượt qua số phận
Tiếp xúc với bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khi bà đến thăm tại nhà riêng, anh Nguyễn Văn Khả bộc bạch: “Từ ngày bị tai nạn, mắt tôi bị yếu hẳn, đi ngoài đường nhiều khi thấy lờ mờ, bị va quẹt xe mấy lần, may mà không sao”. Anh Khả là công nhân bị tai nạn lao động, tỷ lệ thương tật 60%, được LĐLĐ TP tặng sổ tiết kiệm 5 triệu đồng trong Tháng công nhân lần 8 năm nay.
Bà Trần Kim Yến nắm tay đỡ anh ngồi xuống ghế và ân cần hỏi han sức khỏe, tình hình gia đình. Năm 2007, khi đang làm việc cho Công ty Vận tải quốc tế Võ Lương (quận Bình Tân, TPHCM), trong một lần ra cảng lấy hàng, anh bị xe tải chở vật liệu xây dựng đụng phải. Tai nạn làm cho anh bị gãy xương vai, xương đùi, chấn thương sọ não... Vợ anh khi ấy còn rất trẻ đã khóc hết nước mắt vì sợ anh không thể qua khỏi. Sau một tháng nằm viện, sức khỏe anh khá hơn nhưng xương đùi bị hoại tử. Bác sĩ phải lấy thịt ở bụng để đắp xuống đùi. “Trong 2 năm, con rể tôi phải trải qua đến 5 lần phẫu thuật, lần nào cũng thập tử nhất sinh. May nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa nên mới sống được đến ngày hôm nay”, ông Tào Đình Phú, ba vợ anh Khả, kể.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP trao sổ tiết kiệm cho anh Nguyễn Văn Khả
Sau bao khó khăn, anh cũng tìm được việc làm mới tại Công ty Vận tải quốc tế Lưu Chuyển (quận Bình Tân). Sau tai nạn, sức khỏe của anh cũng giảm sút khi mắt yếu, tai ù, đau bao tử, viêm xoang... Hoàn cảnh của gia đình anh cũng rất khó khăn khi vợ là cô giáo mầm non, thu nhập thấp, các con còn quá nhỏ. “Dù sức khỏe không còn được như xưa nhưng tôi thấy mình may mắn vì còn có việc làm, còn giúp đỡ được vợ con. Tôi rất mừng khi được tổ chức công đoàn quan tâm, chăm lo”, anh Khả tâm sự. Anh Khả là một trong số nhiều công nhân bị tai nạn lao động, được LĐLĐ các cấp và các nhà hảo tâm đến động viên, chia sẻ và giúp đỡ.
Chăm lo bằng hành động thiết thực
Cũng trong Tháng công nhân lần 8, lần đầu tiên, LĐLĐ TPHCM phối hợp cùng Tổ chức iCARE và Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa quốc tế Bắc Mỹ (quận 9) tổ chức khám bệnh cho 400 công nhân bị tai nạn lao động. Công nhân được khám tổng quát, siêu âm, chụp X quang... với trị giá 1 triệu đồng/suất. Không những thế, chương trình còn có xe đưa đón, tổ chức ăn sáng, tặng quà cho tất cả công nhân bị tai nạn lao động đến khám bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Bắc Mỹ, hình ảnh của hai mẹ con chị Đặng Thị Yến, công nhân Công ty Hoằng Việt (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM) làm nhiều người ái ngại. Với hai cánh tay cụt, chị Yến không thể làm gì, kể cả những việc đơn giản nhất để chăm sóc bản thân. Đến nay, dù đã hơn 17 năm nhưng chị vẫn còn ám ảnh về vụ tai nạn khi bị trục gạt gòn của máy chải sợi cuốn lấy trong đêm. Tai nạn ấy khiến chị mất đi đôi tay, gãy 5 xương sườn bên trái, phổi tràn dịch. Sau thời gian điều trị, khi xuất viện chị chỉ có thể nằm một chỗ, mất hơn một năm mới bắt đầu đi lại được. Bà Nguyễn Thị Ta, mẹ chị Yến, đành nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con. Nỗi đau chưa dừng lại khi ít lâu sau, ba chị, trụ cột gia đình đột quỵ vì tai biến và mất sau một thời gian dài mất sức lao động. Hiện nay, sức khỏe của chị Yến càng ngày càng giảm sút do mang trong người hàng loạt căn bệnh hiểm nghèo. “Từ ngày bị tai nạn, phải bán nhà trả nợ và đi ở trọ, tôi cũng ít tiếp xúc với bạn bè vì buồn tủi, nhưng sự quan tâm của tổ chức công đoàn suốt 17 năm qua đã giúp tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống”, chị Yến bày tỏ.
Trong khi ngồi chờ khám bệnh, mẹ chị Yến lấy ổ bánh mì đưa con gái ăn rồi thỉnh thoảng mở chai nước cho chị uống. Chứng kiến cảnh ấy ai cũng nhói lòng. Tại bệnh viện, chị được bác sĩ chẩn đoán hở van tim, có khối u trong não và quan trọng hơn chị bị trầm cảm nặng, mất ngủ. “Tôi cũng hết lời khuyên con đừng buồn phiền, cứ vui vẻ sống tiếp quãng đời còn lại nhưng khó quá”, bà Ta quẹt nước mắt nói bằng giọng nghẹn ngào.
Bà Trần Kim Yến cho biết, với người công nhân, bị tai nạn lao động là nỗi đau ám ảnh suốt cả một đời họ. Hiểu được sự mất mát ấy, tổ chức công đoàn phối hợp cùng doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, ý thức phòng tránh tai nạn cho mỗi người lao động. Song song đó, công đoàn và doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong việc chăm lo, quan tâm để những công nhân bị tai nạn lao động không cảm thấy bị bỏ quên.
HỒNG HẢI